'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'

Một số chuyên gia giáo dục nhận định nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh chỉ đạt 9 điểm cũng có thể đỗ đại học.

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, trong đó đề cập bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đại học từ năm 2017. Nhiều người lo ngại việc “mở cửa” tuyển sinh sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo đại học.

Chưa siết đầu ra đã mở toang cửa vào

Nhiều chuyên gia nhận định bỏ ngưỡng đầu vào trong năm tuyển sinh 2017 là quá gấp và chưa hợp lý.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho rằng quy định này sẽ không ảnh hưởng các trường tốp trên nhưng lại tạo cơ hội để các trường kém chất lượng hạ điểm chuẩn, tuyển sinh ồ ạt.

Nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh đạt 8 - 9 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển cũng có thể đỗ đại học, chỉ cần các em đủ điểm tốt nghiệp THPT.

'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'
PGS Văn Như Cương cho rằng bỏ điểm sàn vào năm 2017 là vội vàng. Ảnh: Quyên Quyên.

Với thực trạng kiểm định giáo dục yếu kém, chưa siết chặt đầu ra như hiện nay, việc tuyển sinh ồ ạt chắc chắn ảnh hưởng chất lượng đào tạo đại học.

Một chuyên gia cho biết các yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là nội dung, phương pháp, quá trình và sự sàng lọc của đào tạo. Ở nước ngoài, nhiều trường đại học cho phép học sinh ghi danh sau khi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ khoảng 50% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.

Tại Việt Nam, hầu như sinh viên vào được trường đều tốt nghiệp vì khâu kiểm định chất lượng giáo dục đại học không hiệu quả. Từ thực tế đó, chuyên gia này đề xuất chỉ cho phép những trường đã qua kiểm định chất lượng trong vòng 5 năm trở lại đây bỏ điểm sàn.

PGS Văn Như Cương cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần thắt chặt đầu ra trước khi mở đầu vào. Theo ông, các trường nâng cao chất lượng giảng dạy, kiểm định chất lượng tốt, số người học và tốt nghiệp đại học sẽ tự giảm.

Trong bối cảnh các trường công lập hay tư thục đều cần sinh viên để đảm bảo kinh phí hoạt động và nhiều phụ huynh, học sinh nặng tâm lý “sính” bằng cấp, việc mở đầu vào khi chưa siết đầu ra sẽ nảy sinh nhiều bất cập, nhất là khi việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp phổ thông còn quá dễ.

Theo GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT hiện nay là vấn đề cần cân nhắc trước khi quyết định bỏ sàn tuyển sinh đại học.

Trước đây, điểm sàn là ngưỡng mà mỗi thí sinh phải đạt được mới có thể vào đại học và nó thường cao hơn mức tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm sàn cũng chính là mức quy định tốt nghiệp trung học. Vấn đề đặt ra là học sinh tốt nghiệp THPT đã đủ khả năng học đại học chưa?

“Chưa có gì đảm bảo vì tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của nước ta còn quá cao, có năm lên đến 98%. Như vậy, gần như tất cả học sinh chỉ cần học xong chương trình phổ thông đã có thể tốt nghiệp và vào đại học. Điều này không phù hợp thực tiễn vì năng lực của nhiều em quá yếu”, ông Thi nhận định.

Trước đó, một số chuyên gia cho rằng việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng quá lớn do các trường phải tự giữ uy tín. Thí sinh đạt điểm quá thấp cũng không học đại học kém chất lượng vì lo ra trường thất nghiệp.

PGS Văn Như Cương nêu quan điểm bỏ điểm sàn sẽ “cứu vớt” những trường chất lượng thấp, giúp họ thu hút sinh viên nhưng lại gây bất công khi nhiều em điểm cao vẫn trượt, số khác điểm thấp hơn so với mức sàn các năm trước vẫn có thể vào đại học.

Ông cho rằng nếu muốn bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT phải có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc thi tốt nghiệp phổ thông đến nâng cao chất lượng đào tạo đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, siết đầu ra.

Ngược xu hướng thế giới, ảnh hưởng việc phân luồng

Ngoài mối lo về chất lượng giáo dục đại học khi Bộ GD&ĐT dự kiến “thả cửa” tuyển sinh, việc bỏ điểm sàn cũng ảnh hưởng chính sách phân luồng.

'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'
Điểm sàn đại học từ năm 2005 đến 2016. Đồ họa: Ngọc Châu.

GS Đào Trọng Thi nhận định học sinh sẽ dồn vào cánh cửa đại học mở quá rộng, các trường cao đẳng, trung cấp rất khó tuyển sinh và có thể sẽ "chết". Điều này trái với chủ trương phân luồng học sinh sau trung học.

Ông cho biết thêm việc phân luồng học sinh THCS và THPT vẫn là điểm yếu của giáo dục nước ta. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu bỏ điểm sàn do tâm lý chung cố vào đại học của phụ huynh và học sinh.

Nhiều chuyên gia nhận định mở đầu vào, siết đầu ra là xu thế chung và được áp dụng tại các nền giáo dục tiên tiến. Trường đại học ở Việt Nam lại đi ngược xu hướng trên: Mở đầu vào, chẳng bó chặt đầu ra. Hơn nữa, theo ông Thi, vấn đề không chỉ nằm ở việc “thả cửa” tuyển sinh.

Theo Nguyễn Sương (Zing)