Thiết bị sưởi ấm mùa đông và những tai nạn đáng tiếc cần tránh

Mùa đông là lúc các thiết bị sưởi ấm được người dân đem ra trưng dụng, tuy nhiên đã không ít trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra từ các thiết bị này.

Bỏng toàn thân vì đèn sưởi nhà tắm phát nổ

Vào tháng 11 vừa qua, một người đàn ông họ Lâm sống ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bị bỏng nhẹ toàn thân do chiếc đèn sưởi trong nhà tắm bất ngờ phát nổ. Được biết, sáng hôm đó, ông Lâm bật đèn sưởi vài phút cho phòng tắm nóng lên thì bước vào. Ngay sau đó, ông nghe thấy tiếng nổ phát ra, một chiếc bóng đèn trên đèn sưởi bất ngờ phát nổ.

Các mảnh thủy tinh nóng rơi xuống sàn. Sau đó toàn bộ chiếc đèn sưởi đổ xuống. Dù ông đã tránh kịp thời nhưng trên người vẫn có nhiều vết bỏng gây đau rát do những mảnh nhỏ thủy tinh rơi vào. Sự việc đã khiến ông Lâm vô cùng hoảng loạn.

Thiết bị sưởi ấm mùa đông và những tai nạn đáng tiếc cần tránh

Chiếc đèn sưởi của ông Lâm bị vỡ tung. Ảnh: Gia đình & Xã hội 

Nói tới đèn sưởi trong nhà tắm phát nổ, các chuyên gia cảnh báo rằng, khi sử dụng đèn sưởi nhà tắm, người dùng không nên tiếp xúc quá lâu trên một lần. Đèn sưởi có công suất và bức xạ nhiệt cao nên nếu dùng quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Vì thế, chỉ dùng đèn sưởi nhà tắm trong vòng 20-30 phút.

Thời gian tối đa bạn có thể sử dụng là 40 phút. Lý do là vì đèn sưởi nhà tắm hoạt động quá lâu nhiệt lượng rất cao mang lại sức nóng lớn. Tia hồng ngoại trong đèn sưởi có tác dụng với sức khỏe nhưng tiếp xúc quá lâu thì lại phản tác dụng và gây ra những hiệu quả không mong muốn.

Suýt bị thiêu sống vì chăn điện bốc cháy

Một vụ việc tai nạn nữa liên quan tới thiết bị sưởi ấm mùa đông đó là vào ngày 3/11/2015, cô bé Kate Wall, 7 tuổi sống tại Walton-Le-Dale, thành phố Lancashire (Anh) tỉnh dậy giữa căn phòng đầy khói và bỏng rát phần mắt cá chân.

Bà Sara, 38 tuổi, mẹ bé gái cho biết, khi bà cùng chồng đang xem tivi ở phòng khách thì nghe tiếng hét thất thanh của con gái: "Ba mẹ ơi, con đang bị cháy, cứu con với" Ngay lập tức, bà Sara chạy vào phòng con thì thấy căn phòng mù mịt khói. Chăn điện đang bốc cháy và lan sang phía cô bé. Nạn nhân đã được giải cứu và gia đình đã gọi xe cứu hỏa đến trợ giúp.

Thiết bị sưởi ấm mùa đông và những tai nạn đáng tiếc cần tránh

 Bé gái 7 tuổi suýt bị thiêu sống vì chăn điện bốc cháy. Ảnh: Tiền phong

Theo ông chuyên gia điện lạnh, về mặt bản chất chăn điện sưởi ấm bằng nhiệt vì thế không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu dùng chăn điện có chất lượng kém mua phải hàng rởm nguy cơ giật, cháy do nhiệt độ quá cao là có khả năng xảy ra. Vì thế người tiêu dùng nên cẩn thận khi sử dụng mặt hàng này nhất là với trẻ em và người già.

Tử vong vì sưởi ấm bằng than củi

Sự cố tai nạn do các thiết bị sưởi ấm mùa đông không chỉ xảy ra các nước trên thế giới mà tại Việt Nam cũng không ít trường hợp đau lòng xảy ra do người dùng thiếu thận trọng.

Trường hợp ví dụ rất điển hình đã xảy ra tại Nghệ An. Theo đó, vào tối 21/1/2016, chị Nguyễn Thị N. (20 tuổi) vừa sinh con thứ 2 được 1 ngày tuổi, do thời tiết chuyển mùa quá lạnh nên bà ngoại đốt than củi để xông cho sản phụ cũng như sưởi ấm cả nhà. Bà Nguyễn Thị T. đốt lửa trong diện tích phòng kín khoảng 15m2, lò than âm ỉ cháy suốt đêm đã khiến cả 5 thành viên ngủ trong phòng bị nhiễm độc, mê man, bất tỉnh.

Cho đến khoảng 5h30 phút sáng 22/1/2016, khi người nhà mở cửa phòng, phát hiện bà T. và em H. đã rơi vào tình trạng khó thở, sùi bọt mép, cháu bé 18 tháng tuổi tím tái, nguy kịch, ngay lập tức, các bệnh nhân được chuyển cấp cứu vào thành phố Vinh. Tuy nhiên, khi bé gái 18 tháng tuổi được chuyển đến Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, tình trạng bé đã rơi vào mức nguy hiểm tính mạng và sau đó đã tử vong.

Vụ việc đau lòng trên đã khiến dư luận bức xúc vì sự thiếu hiểu biết của người lớn. Còn theo sự phân tích của TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc dùng than tổ ong hay than củi để sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh là nguy cơ cao làm cho trẻ nhỏ và người già xuất hiện cơn hen phế quản, suy tim mạch, nặng hơn là dẫn đến tình trạng ngộ độc khí, hôn mê sâu, nếu tỉnh thì cũng để lại di chứng là mất trí nhớ.

Vì vậy, để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc khí sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.

Bỏng nặng do túi sưởi

Tương tự, vào  tháng 1/2016, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đang điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng nặng do túi sưởi ấm phát nổ. Nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Bảo T. (ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng chi dưới, bẹn, mông và bộ phận sinh dục.

Mẹ cháu bé cho biết, chị đang cắm sạc để nạp điện cho túi sưởi thì túi phát nổ, lớp bọc bên ngoài bị bể tung, nước từ trong túi chảy tràn ra giường, gây bỏng cho bé T..

Túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… Theo các chuyên gia, trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Có người vì lạnh vùng lưng liền đặt túi sưởi xuống giường, nằm đè cả người nên rất dễ bục, vỡ túi sưởi gây bỏng.

Để an toàn, người sử dụng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong việc sạc điện và sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khi sử dụng, không tì đè toàn thân nặng lên túi sưởi mà chỉ nên đặt cạnh bên người, trong chăn giúp làm ấm. Không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không để vật nặng đè lên, tránh gây bục túi dẫn đến rò dung dịch, rò điện. Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng.

Theo Vietq