Thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018: Ai mừng, ai lo?

Khi thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018, về phía người tiêu dùng thì khi giá thành rẻ chắc chắn sẽ rất vui mừng. Nhưng ngược lại, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở trong nước chắc chắn cũng sẽ có những mối lo.

Thời gian gần đây có sự biến động lớn về số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN là do hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô con từ các quốc gia trong khu vực vào Việt Nam về mức 30%, thay vì 40% như trước.

Mức thuế này sẽ còn giảm về 0% từ năm 2018, gây áp lực lớn cho sản xuất ô tô trong nước. Không ít doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài đã tính chuyện cắt giảm sản xuất, thu hẹp quy mô sau nhiều năm hoạt động.

Đồng thời, việc giảm thuế xuống 0% sẽ khiến người dân mua ô tô nhiều hơn, trong khi hạ tầng giao thông Việt Nam chưa phù hợp.

Đây cũng là vấn đề được phóng viên nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, tới Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin: Theo lộ trình về thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN thì đến ngày 1/1/2018 thuế sẽ trở về 0%. Còn riêng năm 2016, thuế từ 40% đã giảm xuống 30%, như vậy chỉ có chênh nhau 10%.

“Tôi cũng xin đưa ra con số của Tổng cục Hải quan, tính hết ngày 15/3/2017, tức là trong quý I/2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy chúng ta thấy một con số nói lên rất nhiều điều. Về phía người tiêu dùng thì khi giá thành rẻ, người tiêu dùng, trong đó có chúng ta ở đây chắc chắn sẽ rất vui mừng.

Nhưng ngược lại, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở trong nước chắc chắn cũng sẽ có những mối lo”, Thứ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận.

Thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018: Ai mừng, ai lo?

Nhiều người dân đang mong chờ thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018 để họ có cơ hội mua được ô tô giá rẻ. Ảnh minh họa

Và để giải quyết được hài hòa giữa hai lợi ích này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo và Bộ Công Thương, cùng với các bộ có liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, một số cơ quan có liên quan và một số chuyên gia trong ngành, thành lập tổ công tác liên bộ ngành có đại diện của các đơn vị liên quan.

Nhiệm vụ trước hết là gặp gỡ các DN hiện đang sản xuất, kinh doanh trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Thứ hai là tính đến việc trong điều kiện cho phép cũng như bảo đảm phù hợp với quy định của WTO và tất cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết, đặc biệt là những hiệp định có hiệu lực để không có vi phạm.

“Thứ nhất là chúng ta vẫn có thể duy trì và một phần là thúc đẩy, hỗ trợ cho các DN của Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trong ngành ô tô.

Thứ hai là bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, trong đó có tất cả chúng ta ở đây.

Chúng tôi hiện nay đang thực hiện rất khẩn trương và trước ngày 1/5/2017 sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất, nhằm đạt được cả hai mục đích như tôi đã đề cập”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói.

Theo vietq