Thuế Taxi Uber còn nhiều bất cập

Ngày 21/6, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách Tổng cục Thuế đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề quản lý và thu thuế dịch vụ Uber.

Taxi Bber mang lại lợi ích cho khách hàng

Chính thức xuất hiện tại TP HCM từ tháng 7/2014, dịch vụ taxi Uber mặc dù đã mang lại lợi ích cho một số khách hàng sử dụng, nhưng một số vấn đề liên quan đến việc quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này như nộp thuế, điều kiện kinh doanh… tới nay dường như vẫn chưa rõ ràng.

Đại diện ngành thuế - Ông Nguyễn Quang Tiến cho biết, Uber là loại hình công nghệ thông tin kết nối kinh doanh truyền thống vận tải, được gọi là kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, kinh doanh vận tải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, tức là chỉ có DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh được đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải và hành khách. Các cá nhân, DN đó phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, có những điều kiện về thiết bị giám sát thì mới được hoạt động.

Thuế Taxi Uber còn nhiều bất cập
Đại diện ngành thuế - Ông Nguyễn Quang Tiến.

Theo khảo sát của phía cơ quan Thuế, Uber có hợp đồng chung trên mạng, ký kết với những đơn vị, cá nhân đủ điều kiện kinh doanh. Các cá nhân phải nằm trong hợp tác xã hoặc DN đã đăng ký, nêu rõ DN có bao nhiêu lái xe. Hàng tháng, hàng quý, Công ty International Holdings BV (Uber B.V, có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan) sẽ xuất bảng thông báo rõ từng lái xe đi bao nhiêu giờ, thu nhập bao nhiêu, sau đó thông báo cho DN và hợp tác xã vận tải đó, từ đó tính thuế và thanh toán tiền.

Ông Tiến cho biết, “ở TP. Hồ Chí Minh, khi kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn nộp thuế bình thường cho các cá nhân, còn đối với Uber thì xuất một hóa đơn lẻ, thu thuế 10% trên phần đó. Việc thuế của doanh nghiệp là 20% nhưng Uber có nộp thuế bằng hóa đơn lẻ 10% là liên quan tới nghĩa vụ kê khai thuế là ai thì phải làm rõ”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho biết, hiện Tổng cục Thuế đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính về các trung gian thanh toán, các cổng thanh toán trung gian liên quan tới hình thức thương mại điện tử và Uber là đại diện của hình thức này.

Ông Tiến cũng cho rằng, ngay từ đầu, nếu như chỉ cấp giấy phép cho Uber vào Việt Nam để đào tạo và lắp đặt các thiết bị di động cho lái xe và hướng dẫn sử dụng vần mềm…thì đã không xảy ra tình trạng như hiện nay. “Bộ GTVT phải trả lời Uber có kinh doanh vận tải hay không. Vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thuộc Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT phải xác định. Còn hiện tại trong khi chưa xác định rõ ngành nghề kinh doanh, chúng tôi xác định đây là ngành nghề kinh doanh khác”, ông Tiến cho biết.

Làm thế nào để thu thuế Uber

Nếu Uber không nộp thuế, tới đây chúng tôi sẽ xử lý nghiêm – Ông Tiến khẳng định. “Họ còn sử dụng thẻ tín dụng, thông qua các ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước. Qua đó, chúng tôi cũng xem xét điều chỉnh lại khái niệm về cơ sở thường trú đối với trường hợp sử dụng công nghệ máy chủ ở nước ngoài, không hiện diện ở Việt Nam. Nếu họ vẫn có tình trạng trốn thuế, chúng tôi sẽ ngăn chặn bằng việc sử dụng công nghệ phá sóng để kiểm soát không cho công nghệ đó vào Việt Nam”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đối với vấn đề quản lý và thu thuế từ taxi Uber, ông Tiến cho biết, ở một số nước, khi Uber không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế như tại Ấn Độ, liên quan đến vai trò của ngân hàng hoặc sử dụng thẻ tín dụng, họ đã xem xét điều chỉnh lại cơ sở thường trú trong các hiệp định tránh đánh thuế với trường hợp sử dụng các công nghệ máy chủ ở nước ngoài.

Thuế Taxi Uber còn nhiều bất cập

Sẽ rà soát, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân lái xe Uber.

Còn ở Việt Nam, thực tế tại TP HCM có thu thuế của taxi Uber nhưng lại thông qua hình thức khác. “Tôi nắm bắt được tại đây các đơn vị kinh doanh vận tải nộp thuế giá trị gia tăng bình thường. Taxi Uber khẳng định luôn tuân thủ pháp luật, ký hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người được phép kinh doanh vận tải. Tuy vậy, điều này cũng cần phải kiểm chứng vì lái xe là chủ thể ký với Uber hay lái xe trong doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng? Nếu chưa kiểm chứng thì phải rà soát, kiểm tra lại nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của những cá nhân này”, ông Tiến nêu giải pháp.

Bởi nếu là cá nhân đăng ký trực tiếp với Uber thì phải là cá nhân có giấy phép kinh doanh, họ phải xuất trình giấy phép kinh doanh và được phép kinh doanh vận tải. Nếu như cá nhân có xe và đưa vào sử dụng loại hình vận tải này, mà không đăng ký kinh doanh, tức là kinh doanh vận tải trái phép, đồng nghĩa là làm trái theo quy định về ngành nghề kinh doanh vận tải.

"Tuy nhiên, tôi cũng biết có hiện tượng một số cá nhân không đứng trong tổ chức đã được cấp phép, tức là không có giấy phép và vi phạm pháp luật. Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiểm tra xử lý, ngành thuế cũng mong muốn quản lý các đơn vị. Nếu cá nhân kinh doanh không đảm bảo điều kiện thì đó là kinh doanh trái phép nên phải bị xử lý do hoạt động kinh doanh trái phép", ông Tiến khẳng định.

Dư luận vẫn đang còn nhiều thắc mắc làm thế nào để xác định rõ Uber là loại hình vận tải hành khách xe hợp đồng hay taxi hay chỉ là một đơn vị quản lý kinh doanh về công nghệ thông tin. Nếu không làm rõ được vấn đề này, các quy định vẫn “mập mờ” sẽ tạo ra kẽ hở cho những loại hình kinh doanh mới mà như ông Nguyễn Quang Tiến sẽ là xu thế phát triển mạnh trên thế giới của hiện tại và tương lai luôn tìm cách “lách luật” khi  xuất hiện ở Việt Nam.

Để quản lý thuế đối với Uber trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn, hướng dẫn chi tiết việc xác định nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Đồng thời, để kiểm tra, kiểm soát thu nhập của Uber qua ngân hàng, cơ quan Thuế đang kiến nghị, song phải trông chờ vào chính sách sắp tới.

Theo Ngọc Bích - Trần Lợi (Tieudung24g)