Tiền mất tật mang vì mua thuốc qua mạng

Tin lời quảng cáo hàng chất lượng tốt kèm theo khuyến mãi giảm giá, nhiều người tiêu dùng đã sập 'bẫy' khi mua thuốc online.

Một số cửa hàng bán thuốc online hiện nay, đều bày bán gần như đầy đủ các loại thuốc, phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, các loại thuốc đều được giảm giá, kèm theo lời quảng cáo với công dụng tuyệt vời nên nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng online thay vì phải lạch cạch tới tận nhà thuốc.

Thuốc Arthron Flex, giá gốc là 190.000 đồng giảm còn 175.000 đồng. Có công dụng bổ sụn khớp bằng cách bổ sung lượng Glucosamine thiếu hụt do tuổi tác hay vận động, đóng vai trò quan trọng trong công việc khôi phục tính đàn hồi của khớp và sụn;

Thuốc Phosphalugel, 20%gel, chữa viêm dạ dày cấp và mãn tính, loét dạ dày- tá tràng, thoát vị khe thực quản, ngộ độc acid, kiềm, các bệnh lý đường ruột,… giá giảm còn 95.000 đồng.

Tiền mất tật mang vì mua thuốc qua mạng

Các loại thuốc giả phần lớn được bán online. Ảnh cắt từ clip.

Nhiều loại thuốc giá từ 500.000 -1 triệu/lọ được giới thiệu xuất xứ từ Mỹ bán tràn lan. Gọi điện đặt thuốc khách được tư vấn giá cả cùng nơi giao hàng. Tuy nhiên, không có hướng dẫn nào về cách dùng, tác dụng phụ hay liều lượng uống.

Ở một cửa hàng bán thuốc qua mạng khác, còn giới thiệu loại Profi…chữa HIV có giá 50.000 đồng/viên, cho dù trước đó Cục Quản lý Dược Việt Nam cho biết chưa cấp phép loại thuốc này vào Việt Nam.

Không ít người tiêu dùng phản ánh, chất lượng thuốc bán online đều không đảm bảo, đặc biệt là không ghi rõ liều lượng cũng như cách dùng và đối tượng dùng cụ thế như thế nào....

"Tôi chưa bao giờ mua thuốc qua mạng vì đã là thuốc thì tốt nhất là ra hiệu thuốc chứ mua online vừa lâu vừa khó đảm bảo. Bệnh thì phải uống khẩn cấp chứ chờ ship hàng đến thì có lẽ ngẻo mất", một bà mẹ chia sẻ.

Tiền mất tật mang vì mua thuốc qua mạng

Khu vực sản xuất các loại thuốc giả. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, một bé 11 tuổi ở quận 3, TP HCM, nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng chóng mặt, nổi mề đay toàn thân, co cứng người kèm theo nôn ói. Kết quả cho thấy, bé bị ngộ độc do thuốc gây ra.

Mẹ bé thừa nhận, đã mua thuốc động kinh trên mạng để sẵn trong nhà, dùng mỗi khi bé có biểu hiện lên cơn. Dù biết thuốc này phải được bác sĩ kê nhưng mua trên mạng tiện, không cần toa, lại giao tận nơi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến đang nhẫn tâm cung cấp dược phẩm giả cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi còn bán cả thuốc giả sang Trung Quốc, Mỹ, Iran, phần lớn là chúng tôi bán hàng trực tuyến…Chúng tôi không dùng loại thuốc mình bán vì chúng tôi biết đó là loại thuốc không tốt…”, những người bán hàng tại Pakistan thừa nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP HCM cảnh báo, Theo quy định, mỗi nhà thuốc phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề dược và chứng nhận đủ điều kiện hành nghề…do Sở Y tế cấp. Các thủ tục phải được kiểm duyệt, thẩm định nhiều lần.

Tuy nhiên, do chưa được cấp phép, mua thuốc ở những địa chỉ online rất nguy hiểm vì dễ gặp phải thuốc giả, hết hạn, không nguồn gốc… dễ dẫn đến ngộ độc và tử vong.

Theo vietq