Tiền tỷ đi tong vì món ăn khoái khẩu

Nhiều trường hợp điều trị liên cầu lợn xong bị biến chứng nặng nề, nhất là thính lực. Không ít bệnh nhân điếc hoàn toàn từ biến chứng của viêm não do liên cầu lợn. Điều trị biến chứng này rất tốn kém, thậm chí mất cả tỷ đồng.

Tiền tỷ đi tong vì món ăn khoái khẩu

Tiết canh - món khoái khẩu nhưng dễ chết

Thâm tím vì lợn mán

Bệnh nhân là anh N.H.T, 35 tuổi, trú tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Theo gia đình bệnh nhân, vào dịp nghỉ tết dương lịch, anh T. đã mua lợn cắp nách của dân bản về làm thịt ăn tất niên. Nghĩ lợn mán ngon, an toàn, anh T. chế biến tiết canh mời khoảng 20 bạn bè đến ăn. 5 ngày sau, anh T. xuất hiện sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử.

Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, được xử trí cấp cứu, sau đó bác sĩ chuyển bệnh nhân xuống bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện tại bệnh nhân tỉnh nhưng còn sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay. Đáng ngại nhất là tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Những bệnh nhân bị liên cầu lợn như anh T. phải điều trị tích cực hàng tháng trời, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Anh T. sẽ phải điều trị qua Tết âm lịch, không được đón tết ở nhà.

Bác sĩ Cấp cho biết, bệnh liên cầu lợn không thành dịch vì vi khuẩn liên cầu lợn không lây từ người sang người. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm. Về cuối năm, bệnh nhân bị liên cầu lợn tăng lên do người dân Việt Nam có thói quen mổ lợn để ăn Tết và nghĩ lợn nhà sạch nên vẫn ăn tiết canh bình thường. Do đó, nỗi lo bị nhiễm liên cầu lợn dịp Tết lại tăng thêm.

Ví dụ như mùa Tết năm ngoái, đa số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn là giết lợn sạch nhà nuôi và đánh tiết canh ăn. Sau đó trong số người ăn chỉ có một người bị liên cầu lợn.

Bác sĩ Cấp cho biết, ông đã gặp trường hợp cả cơ quan liên hoan lợn mán. Ăn tiết canh xong chỉ có một người tử vong do liên cầu lợn. Điều này phụ thuộc vào sự cảm nhiễm của mỗi người, số lượng vi khuẩn xâm nhập. Vì thế, cùng ăn tiết canh từ một con lợn nhưng có người bị, có người chưa bị.

Tiền tỷ vì bát tiết canh

Nhiều trường hợp điều trị liên cầu lợn xong bị biến chứng nặng nề, nhất là thính lực. Không ít bệnh nhân điếc hoàn toàn từ biến chứng của viêm não do liên cầu lợn. Điều trị biến chứng này rất tốn kém, thậm chí mất cả tỷ đồng.

Theo các bác sĩ, bệnh lây từ lợn sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Thời gian ủ bệnh liên cầu lợn từ 2 đến 14 ngày, có nhiều bệnh nhân chỉ 2 ngày sau đã có dấu hiệu phát bệnh. Biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn là sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run...

Khi có biểu hiện viêm màng não, bệnh nhân sẽ sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.

Bình thường, vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay.

Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện bảo hộ.

Theo infonet