"Tiêu dùng thông thái thế nào khi người sản xuất ác độc?"

"Không thể yêu cầu người tiêu dùng thông minh, thông thái. Nói như thế người dân rất buồn, không đồng tình" - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói.

Thông minh, thông thái phải theo hoàn cảnh

Chiều 5.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016. Trong phát biểu, nhiều ĐBQH nêu ra vấn đề cho rằng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng cần phải thông minh, thông thái. Vấn đề này đã được hai ĐBQH đặt vấn đề tranh luận lại.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) tranh luận: "Nói người tiêu dùng cần phải thông minh, thông thái nhưng không hiểu khái niệm thông minh, thông thái như thế nào khi xung quanh chúng ta len lỏi những người sản xuất, kinh doanh rất ác độc".

Theo ĐB Giang, trong báo cáo giám sát của Quốc hội cũng nói ghi nhận giai đoạn 2011 - 2016 có 7 bệnh truyền qua thực phẩm mắc với khoảng hơn 4 triệu người. Bệnh ung thư mỗi năm có 70.000 người chết, hơn 200.000 ca mắc phát hiện mới. Theo điều tra xã hội học có 35% ca ung thư do thực phẩm không an toàn.

"Đặt ra vấn đề như vậy là tôi không hiểu thông minh cỡ nào khi chúng ta đi ra đường, ăn uống nhòm đâu cũng không thấy an toàn, thực sự như vậy" - ĐB Giang nói.

Đại biểu Nguyễn Thái Học. Ảnh: Đàm Duy

Đồng tình với ĐB Giang, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói thêm, khi nêu ra vấn đề người tiêu dùng thông thái, thông minh thì người dân nghe sẽ cảm thấy rất buồn, không đồng tình,

"Việc tiêu dùng thông thái, thông minh tùy thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh nhất định chứ còn người dân đói phải ăn, khát phải uống mà không có sự lựa chọn nào khác thì đòi hỏi người ta thông minh, thông thái như thế nào" - ĐB Học nêu.

Theo ĐB Học, việc đặt ra ở đây là công tác quản lý của chúng ta trong thời gian qua tốt chưa, vì sao có một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì sao công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta còn thụ động và không thể phát hiện ra thực phẩm của chúng ta tốt hay không tốt. Vấn đề đặt ra nữa là vì sao xử lý không nghiêm, chỉ có 20% phát hiện sai phạm.

"Khi chúng ta làm chưa tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thì đòi hỏi người tiêu dùng thông minh, thông thái là không thể đáp ứng được" - ĐB Học nhấn mạnh.

Vì sao có hai luống rau, hai chuồng gà?

Cũng trong chiều ngày 5.6, phát biểu giải trình vấn đề các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hành lang về các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm khá đầy đủ, đồng bộ, vấn đề còn lại là thực thi, kiểm tra, xử phạt.

Người đứng đầu ngành Y tế cho biết thêm, tới đây sẽ sửa ngay một số Nghị định, trong đó có Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vì còn quá nhẹ, chưa nghiêm và sửa cả quy định trong Bộ luật Hình sự, để xử lý nghiêm hành vi vi phạm hình sự trong an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình về vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Ảnh: Đàm Duy

“Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc, vi phạm an toàn thực phẩm càng ngày càng xảy ra. Đương nhiên đó là một thực tiễn do sản xuất, hội nhập, ý thức của người dân... Chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt nữa phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các luật về an toàn thực phẩm.

Chính vì thế chúng ta mới thấy có hai luống rau, hai chuồng gà, hai chuồng lợn. Người sản xuất vì lợi nhuận mà làm trái pháp luật, trong khi đó việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đảm bảo răn đe”-  Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng thông thái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: Thực ra việc chúng ta cần phải làm, đó là thiết lập hệ thống đo kiểm dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn để phân biệt được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào là không an toàn.

Việc này không chỉ nằm trong các phòng thí nghiệm ở các bộ mà cần huy động hệ thống phòng thí nghiệm của các doanh nghiệp. Chúng ta cũng phải tăng cường để có trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn ở các chợ đầu mối và thậm chí ở các siêu thị để người dân có điều kiện được xác minh có an toàn hay không.

Theo danviet