Tội ác được "định giá" 35 triệu đồng

Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh, tiêm thuốc an thần cho heo là một tội ác. Thế nhưng, lò giết mổ heo hơi lớn nhất khu vực TP.HCM (Xuyên Á) bị phát hiện tiêm thuốc an thần cho gần 4.000 con heo mà chỉ bị phạt 35 triệu đồng. “Tội ác”, chỉ phải đền với cái giá quá rẻ!

TP.HCM là một thị trường có sức tiêu thụ cực lớn, điều này đòi hỏi các cơ sở cung cấp, giết mổ phải có nguồn cung ổn định và nguồn hàng dự trữ trước. Lò mổ Xuyên Á là một ví dụ điển hình nhất. Bên cạnh lượng thịt lớn được rải khắp các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn và nhỏ lẻ mỗi ngày, lúc nào cơ sở này cũng có sẵn nguồn dự trữ heo sống cho nhiều ngày tiếp theo.

Đáng chú ý, dù phải bảo đảm nguồn heo sống dự trữ, song, hầu như không có cơ sở nào trang bị đủ điều kiện về chuồng trại và chỉ tiêu sống tốt của heo. Ngoài ra, quá trình vận chuyển kéo dài, chèn ép cũng khiến heo bị “stress” nặng. Những nguyên nhân nói trên sẽ khiến chất lượng thịt không bảo đảm, heo mất nước, sụt cân… gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các thương lái.

Vì vậy, việc tiêm Combistress (một loại thuốc an thần) cho heo gần như là lựa chọn tối ưu để thương lái bảo đảm nguồn lợi cho mình. Thuốc an thần sẽ giúp heo “nằm im” bảo đảm lợi nhuận của các thương lái không bị sụt giảm và đó chính là nỗi “thấp thỏm” lo sợ của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Dù kết luận của ngành chức năng cho biết, liều lượng thuốc an thần đã tiêm cho gần 4.000 con heo làm rúng động dư luận tại lò mổ Xuyên Á vừa qua chưa đủ để gây hại trực tiếp cho người dùng.

Nhưng các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, lượng thuốc an thần tồn dư trong thịt heo có thể khiến người dùng bị hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ và hàng loạt tác dụng phụ khác. Cần phải nói thêm, lượng thuốc tồn dư là bởi thời gian tiêm thuốc quá ngắn trước khi đưa giết mổ, hoặc tiêm với liều lượng vượt chỉ định. Mà đây gần như là điều chắc chắn xảy ra tại các lò mổ.

Có thể thấy, thuốc an thần tồn dư trong thịt heo sẽ không gây tác dụng nguy hại tức thời cho người sử dụng nhưng về lâu dài thì hậu quả rất khó lường. Trong khi đó, sản phẩm từ lò mổ Xuyên Á chiếm đến 50% thị phần cung cấp cho người tiêu dùng tại TP.HCM.

Vậy, có bao nhiêu người tiêu dùng trong tổng số khoảng 12 triệu dân (bao gồm cả dân nhập cư) đã sử dụng thịt có nguồn gốc từ lò mổ này trong suốt một thời gian dài. Số thịt khủng từ lò mổ này đã đe dọa đến sức khỏe bao nhiêu người dân thành phố? Đó chắc chắn là những con số không thể thống kê được cho đến khi lò mổ này bị phát hiện và xử lý hành vi sai trái của mình.

Cũng chẳng hiểu, trước khi C49B Bộ Công an phối hợp với các lực lượng gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra đột xuất lò mổ Xuyên Á và phát hiện sự thật mất nhân tính của các thương lái ở đây, thì lực lượng thú y, an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ giám sát trực tiếp lò mổ và chính quyền địa phương này, đang ở đâu, làm gì? Hay thấy - biết - hiểu nhưng vẫn bỏ qua vì… “nhẹ nhàng” cho doanh nghiệp làm ăn!

Trong khi dư luận đang chờ đợi một sự trừng phạt thích đáng từ ngành chức năng với một “bản án” đủ sức răn đe, thì “kẻ thủ ác” - lò mổ Xuyên Á chỉ phải nhận án phạt hành chính với tổng số tiền 35 triệu đồng. Chúng ta chỉ còn biết thở dài vì… bộ máy tư pháp và các luật định vẫn chưa thể với tới “tội ác” của nhóm thương lái cung cấp thực phẩm bẩn.

Người tiêu dùng một lần nữa lại buồn, lại bất an vì không được tôn trọng và bảo vệ như nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước khác hành vi trên có thể bị liệt vào danh sách các tội ác chịu trách nhiệm hình sự. Nhiều luật sư Việt Nam cũng thể hiện quan điểm rõ ràng, vụ việc này có yếu tố hình sự. Hành vi này có thể quy vào tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (Điều 244 BLHS).

Theo nguoitieudung