TP.HCM: Ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc Zika

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến 21 giờ ngày 10-11-2016, đã có 12/24 quận huyện ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ vi rút Zika lưu hành và bệnh lan rộng trên toàn thành phố.

Như vậy tính đến 21 giờ ngày 10-11, TP.HCM đã có 34 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó 5 trường hợp mới được phát hiện nhiễm vi rút Zika trên tổng số 78 mẫu đã xét nghiệm.

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền bởi muỗi Aedes, cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày, người mắc thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Tuy vậy, khoảng 80% nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng; hầu hết các ca bệnh đều có khả năng tự phục hồi hoàn toàn.

Trước đó, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận định, muỗi gây ra bệnh Zika là loại muỗi "quý phái", sinh sản trong môi trường nước sạch, không phải nước cống. Do đó, trước tiên phải tuyên truyền cho người dân cùng với TP chung tay diệt lăng quăng. Các dụng cụ chứa nước đọng phải xử lý để tránh nguồn sinh sản của muỗi.

Bộ trưởng đề nghị huy động lực lượng học sinh thứ 7 và chủ nhật vào các nhà dân, nhặt hết các vỏ lon bia, bình bông… dẹp các nơi có lăng quăng, không để nước đọng.

TP.HCM cần đi tiên phong khẩu hiệu 'Diệt lăng quăng, không có lăng quăng không có sốt xuất huyết và Zika'.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika là gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ngoài phương thức lây bệnh chủ yếu là do muỗi, còn có một số bằng chứng cho thấy vi rút này có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.

Đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh; tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Theo CA