TP.HCM: Một số người bệnh COVID-19 diễn biến xấu rất nhanh

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết một số người bệnh COVID-19 diễn biến rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, đặc biệt trong quá trình chuyển tuyến cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân.

tp-hcm-mot-so-nguoi-benh-covid-19-dien-bien-xau-rat-nhanh

Các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ, chạy thận cho bệnh nhân trong khu cách ly - Ảnh: THU HIẾN

Sở Y tế vừa có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 về việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế, thực tế đã có trường hợp bệnh nhân COVID-19 diễn biến rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, do đó khi chuyển tuyến cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của người bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng để kịp thời sơ cứu trên đường chuyển.

Sở yêu cầu các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 (trực thuộc sở) chủ động liên hệ chuyên gia hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để hội chẩn ca mắc COVID-19 diễn tiến nặng.

Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo hoặc cần can thiệp chuyên khoa, các đơn vị liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố, chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị COVID-19 các trường hợp diễn biến nặng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được giao nhiệm vụ kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị COVID-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị của thành phố, nhằm trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu; cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen... và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.

Với các trường hợp bệnh viện không có khả năng làm xét nghiệm về đông máu, nếu người bệnh COVID-19 có tổn thương phổi (trên X-quang) cần được chỉ định Enoxaparin liều dự phòng: Lovenox 40mg/0,4ml, một ống tiêm dưới da mỗi 24 giờ.

Đối với người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi), bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều còn 3/4 ống (30mg) mỗi ngày. Trường hợp người bệnh thừa cân (trên 60kg) có thể cân nhắc tăng liều đến 1,5 ống (60mg) mỗi ngày.

Nhân viên y tế lưu ý các chống chỉ định của thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Bệnh nhân cần được theo dõi số lượng tiểu cầu sau 2-3 ngày dùng thuốc và sau đó ít nhất một lần/tuần.

Theo Tuoitre

------

Xem thêm:

Người phụ nữ t.ử v.o.ng chỉ sau 1 ngày phát hiện mắc COVID-19

Người phụ nữ 53 tuổi ở TP HCM vừa phát hiện mắc COVID-19 hôm 24/6 đã trở nặng, diễn tiến nguy kịch nhanh, tử vong một ngày sau đó.

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tối 27/6 thông báo ca tử vong 76. Đó là BN14656, nữ, 53 tuổi, có địa chỉ quận Bình Tân, TP.HCM.

Ngày 24/6, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính, được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch từ Bệnh viện Quận Bình Tân trong tình trạng hôn mê, thở oxy bóp bóng qua nội khí quản.

Bênh nhân được cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh phối hợp, thuốc điều chỉnh vận mạch; kháng viêm. Tuy nhiên bệnh diễn biến nhanh và nặng dần, mặc dù bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi,

Bệnh nhân tử vong lúc 9 giờ 30 phút ngày 25/6 với chẩn đoán tử vong viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn.

Theo GiaDinh

------

Xem thêm:

Bé gái chào đời khi mẹ đang phải thở máy do COVID-19 tiến triển nặng

Thai nhi được 35 tuần, chị N có dấu hiệu chuyển dạ. Người phụ nữ bị gù cột sống bẩm sinh được chỉ định mổ lấy thai gấp khi đang thở máy do COVID-19 diễn biến nặng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa mổ đẻ cấp cứu thành công cho sản phụ N.T.N, 33 tuổi, quê Bắc Ninh. Nữ bệnh nhân có tiền sử gù cột sống bẩm sinh, nhập viện khi đang mang thai 32 tuần.

Chị N được tuyến dưới chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 11/6. Sau khi nhập viện bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, can thiệp và điều trị tích cực, đánh giá và siêu âm thai hàng ngày.

Ngày 26/6 đánh dấu 15 ngày chị N nhập viện và thở máy, nuôi dưỡng thai tại Khoa Hồi sức tích cực. Qua thăm khám, các bác sĩ sản khoa thấy bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ, tuổi thai được 35 tuần, cân nặng tương đương tuổi thai.

2h chiều 26/6, bác sĩ tổ chức hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu. 30 phút sau, bé gái nặng 2.300gr chào đời. 

be-gai-chao-doi-khi-me-dang-phai-tho-may-do-covid-19-tien-trien-nang

Bé gái 2.300 gram chào đời từ người mẹ mắc COVID-19 diễn biến nặng

Sau mổ cả mẹ và con sức khỏe tạm ổn định. Em bé được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa theo dõi tiếp. Sản phụ được chuyển lại Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thở máy, điều trị bệnh COVID-19 giai đoạn tiến triển nặng.

Đây là em bé thứ 5 chào đời tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khi mẹ đang điều trị COVID-19. Tất cả 5 bé đến nay đều không lây nhiễm COVID-19 từ mẹ. 

Theo GiaDinh