Tràn lan hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt, Mỹ vào siêu thị

 Tại thị trường Việt Nam, hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” hàng Việt, hàng Mỹ hiện vẫn xuất hiện tràn lan.

Báo Pháp luật TP.HCM (PLO) đưa tin: “Một thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không nhãn mác nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Sau đó tổ chức đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Thậm chí giả các nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam đưa đi tiêu thụ”.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp. Đã khởi tố bảy vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.

Tràn lan hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt, Mỹ vào siêu thị

 Đội QLTT TP.HCM vừa tiêu hủy lô mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ 19 tỉ đồng. Ảnh: PLO

“Đối với hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc phần lớn được tập kết từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới rồi vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ bằng đường hàng không, tàu hỏa, các chuyến xe Bắc-Nam… Đáng chú ý hơn là chỉ cần gọi điện thoại đặt mua từ Trung Quốc, hàng hóa sẽ được giao tại TP.HCM sau đó mới nhận tiền vận chuyển” - ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Saigon-ASEAN, qua một số khảo sát cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt khắp nơi, từ các cửa hàng tạp hóa đến cả những siêu thị ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

"Vấn nạn này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh của doanh nghiệp chân chính. Ngay cả một thương hiệu cà phê lớn cũng bị làm giả để xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước trong khu vực" - ông Luận nói.

Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết, từ tháng 6.2017 đến nay đã phát hiện và bắt giữ hơn 13 lô hàng áo quần, giày dép, phụ kiện, máy in... của 5 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu được gắn mác xuất xứ “Made in Vietnam”.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng thời trang mang thương hiệu nổi tiếng hoặc dạng hàng xuất khẩu đều gắn “Made in Vietnam” nhưng lại được nhập từ Trung Quốc. Theo cơ quan chức năng, những lô hàng này thường được nhập vào VN dạng tạm nhập, tái xuất qua Campuchia, Lào hoặc “trà trộn” rồi tuồn vào tiêu thụ trong nước.

Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, năm 2016, đơn vị này cũng phát hiện, bắt giữ hàng trăm sản phẩm quần áo giả thương hiệu Việt Tiến để bày bán tại các cửa hàng áo quần tại TP. Biên Hòa, được khai là hàng nhập từ Trung Quốc.

Không chỉ bị phát hiện ngay tại cửa khẩu, theo cảnh báo của Tổng cục Hải quan, một số trường hợp mang hàng xuất xứ Trung Quốc vào các khu công nghiệp của VN để lắp ráp, hoặc chỉ gắn nhãn mác bao bì “Made in Vietnam” để xuất sang nước thứ 3 mà VN được hưởng ưu đãi thuế quan.

Điển hình là các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng, bóng đèn Rạng Đông… nhập từ Trung Quốc vào gắn thương hiệu VN để sản xuất tiêu thụ. Với các mặt hàng nông sản, ngoài việc trái cây, rau củ quả Trung Quốc nhập vào VN được gắn xuất xứ các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ, Nhật… cũng có không ít trái cây Trung Quốc “đội lốt” trái cây Việt: cam, quýt, táo…

 

Hà Thúy

Theo vietq