Trắng tay vì hợp đồng 'ma'

Hàng loạt các vụ doanh nghiệp (DN) “lật kèo” khiến người nông dân “trắng tay” là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc. Và, người nông dân cần thận trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng liên kết.

Giữa tháng 6/2017, hàng trăm hộ nông dân huyện Chư Sê (Gia Lai) rơi vào cảnh khốn đốn, khi ký hợp đồng “Hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh (bí đao) giống Đài Loan” với công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên (Tp.Pleiku, Gia Lai). Hàng tỷ đồng đầu tư sản xuất của người nông dân chỉ nhận lại sự “mất tích” của DN.

Bị “lật kèo” nông dân lãnh đủ

“Sau những lời quảng cáo có cánh từ công ty, nhà tôi ký hợp đồng trồng 4ha bí. Họ cam kết bao tiêu với giá 5.000 đồng/kg bí bò dưới đất, 5.500 đồng/kg bí leo giàn. Để có vốn làm bí, tôi chạy vạy, vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Giờ hơn 200 tấn bí đến kỳ thu hoạch, công ty lặn mất tăm, biết bán cho ai?”, chị Hoàng Thị Thu (Ia Glai, Chư Sê) xót xa.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Tuấn Hữu (thôn Nông Trường, xã Ia Glai) ký hợp đồng trồng 5ha bí đao với công ty Phú An Khang Tây Nguyên. Sản lượng bí thu hoạch vụ này vào khoảng 300 tấn. “Nếu đúng giá hợp đồng, tôi thu về 1,5 - 1,6 tỷ đồng. Nhưng giờ thì chỉ mong bán được đồng nào hay đồng ấy, lỗ càng ít thì càng mừng”, anh Hữu chia sẻ.

Khi “vị đắng” từ bí đao chưa dứt, người nông dân Gia Lai tiếp tục lâm nạn với chanh dây. Tại huyện Chư Pứh, hơn 70 hộ dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống chanh dây (36.000 đồng/cây) với công ty TNHH Tuấn Đại An (Tp.Pleiku). Theo đó, người dân trả trước 50% tiền mua giống và vật tư, khi thu hoạch người dân bán sản phẩm cho công ty với giá thấp nhất 6.000 đồng/kg.

Kết quả, do mua phải giống cây kém chất lượng, vật tư nông nghiệp “dỏm”, hàng chục ha chanh dây tại huyện Chư Pứh, và các huyện khác như Mang Yang, Đăk Đoa... không ra quả. Trước phản ánh của người dân, công ty này hứa suông rồi cắt đứt liên lạc, bỏ mặc người nông dân với những khoản nợ từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Dư (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) - một nạn nhân của công ty Tuấn Đại An, cho biết: “Không chỉ giống dỏm, các vật tư cũng dỏm, nhãn mác phức tạp hoặc bị bóc đi, giá bán thì đắt hơn cả chục lần. Gần 8 tháng qua, tôi chạy vạy gần 300 triệu đầu tư vào vườn chanh, giờ thì coi như mất trắng”.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, hàng chục hộ dân ở huyện Giang Thành (Kiên Giang) cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì bị công ty TNHH MTV Năm Nhã quỵt tiền. Người dân Gia Thành cho biết, gần 7 tháng kể từ sau khi nhận lúa của nông dân, DN này vẫn chưa trả tiền, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn, không có tiền tái sản xuất. Theo ghi nhận, chỉ riêng ở xã Tân Khánh Hòa, công ty Năm Nhã nợ nông dân trên 1,7 tỷ đồng.

Trắng tay vì hợp đồng 'ma'
Giữa tháng 6/2017, hàng trăm hộ nông dân huyện Chư Sê (Gia Lai) rơi vào cảnh khốn đốn, khi ký hợp đồng “Hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh (bí đao) giống Đài Loan” với công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên

Nông dân tự cứu mình

Bà Nguyễn Thị Luyến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giang Thành (Kiên Giang), cho biết: “Việc nông dân bị quỵt nợ phòng có biết, nhưng không can thiệp được, vì không có chứng thực của UBND xã. Trước nay ở Giang Thành, nông dân bị quỵt nợ tiền lúa nhiều lắm, xã Tân Khánh Hòa chỉ là số nhỏ thôi. Phòng cũng đã khuyến cáo bà con không ký hợp đồng đối với một số DN”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra những sự việc khiến người nông dân gánh hậu quả nặng nề vừa qua là do chính quyền địa phương chưa sâu sát, cộng thêm sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người dân, dẫn tới việc nhiều DN “ma” lợi dụng “lỗ hổng” trong hợp đồng để trục lợi.

Ông Nguyễn Đức Tôn - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hla (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), khuyến cáo: “Việc người dân tự ý ký kết hợp đồng với DN không thông báo cho chính quyền, khi xảy ra sự cố chính quyền rất khó bảo vệ quyền lợi cho bà con. Vì vậy, nếu có các đơn vị, các công ty tới ký kết làm ăn, người dân nên thông báo với chính quyền. Chúng tôi sẽ tư vấn về vấn đề hợp đồng để bà con tránh thua thiệt và cũng kiểm chứng được các DN liên kết”.

Được biết, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã ra hai văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với chính quyền các huyện Chư Sê, Chư Pứh nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin người dân bị DN lừa trồng bí đao, chanh dây.

Những cú lừa “tán tận lương tâm” từ chuối già Nam Mỹ, mắc ca, sachi đến bí đao, chanh dây… là hồi chuông báo động, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tuy nhiên, trong khi chờ kết quả từ chính quyền, người nông dân cần tự nâng cao cảnh giác, thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, xin tư vấn từ chính quyền địa phương trước khi ký hợp đồng liên kết với DN.

Theo Hiến Nguyễn/TBKD