Tránh quả đắng khi nộp phí bảo trì chung cư

Chủ đầu tư thu tiền bảo trì rốp rẻng nhưng chây ỳ trong sửa chữa khiến chung cư xuống cấp, ảnh hưởng cả an toàn của cư dân.

Hy vọng đòi được khoản tiền bảo trì chung cư từ chủ đầu tư (CĐT) vô cùng mong manh, hàng trăm con người không biết tương lai nơi cư ngụ của họ sẽ ra sao và phải trông chờ vào một ban quản trị (BQT) chưa biết bao giờ có. Đó là tình cảnh đang xảy ra tại chung cư Hoàng Kim, quận 7 và tại nhiều chung cư khác tất cả cũng chỉ vì ba chữ: Tiền bảo trì.

Tiền đi trước, dịch vụ không theo sau 

Tòa nhà chung cư Hoàng Kim đang xuống cấp trầm trọng, nhiều căn hộ tường thấm nước loang lổ, có mảng bung hẳn rơi xuống đất, ngay sảnh chung cư trần nhà thủng lỗ nhưng lâu ngày không được sửa chữa. “Tám năm bể nước tại chung cư chỉ được súc rửa ba lần khiến chúng tôi vô cùng lo ngại vấn đề vệ sinh” - các cư dân phản ánh. 

Không thành lập BQT, CĐT nắm toàn quyền quản lý chung cư, thu phí quản lý của cư dân nhưng mấy tháng liền không trả tiền cho đơn vị gom rác, nợ tiền chủ thầu bảo trì, “sang tay” hầm xe, sân thượng cho một công ty thứ ba rồi quay lưng.

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là thang máy xuống cấp đến mức công ty vận hành buộc phải khóa thang vì lo sợ sự cố ngoài ý muốn. Cho đến khi CĐT thanh toán khoản nợ 50 triệu đồng phí bảo trì cũ thì đơn vị mới có thể thực hiện dịch vụ bảo trì mới. 

Trong cuộc họp với đại diện UBND phường Tân Thuận Đông, chủ đầu tư Công ty TNHH KTT không dự họp cũng không có biểu hiện sẽ chi trả số tiền trên. “Mấy ngày liền cả chung cư phải đi thang bộ. Nhà tôi ở tầng 12, con nhỏ phải đi bộ lên xuống để đi học quá khổ sở. Muốn mua gì xách bộ lên cũng bở hơi tai, lỡ người già có sự cố sức khỏe thì không biết làm sao” - một cư dân bức xúc. 

Đại diện UBND quận 7 cho hay đã có chỉ đạo giải quyết tình hình khẩn cấp cho cư dân. Trước mắt tạm trích ngân sách chi trả cho công ty thang máy, cùng lúc yêu cầu CĐT bàn giao phí bảo trì cho BQT. Tuy nhiên, câu hỏi cư dân đặt ra là “nếu CĐT vẫn không trả thì sao?” thì không ai trả lời được. Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu BQT cũng chưa biết đến bao giờ.

Tránh quả đắng khi nộp phí bảo trì chung cư

UBND phường Tân Thuận Đông họp với đại diện cư dân chung cư Hoàng Kim (ngày 29-9) tìm hướng giải quyết vướng mắc phí bảo trì. 

Phải có mô hình quản lý mới

Khi chung cư đang trở thành lựa chọn của nhiều người dân thì nỗi lo lâm cảnh khó khi CĐT chiếm giữ phí bảo trì cũng tăng theo. Chủ tịch UBND một quận cho rằng quy định thu giữ phí bảo trì đã sai ngay từ đầu khi giao cho CĐT mà không có biện pháp đảm bảo thu hồi, dẫn đến mọi chung cư hoàn toàn trông cậy vào lương tâm và chữ tín của CĐT.

Theo ông, pháp luật phải điều chỉnh theo hướng CĐT không được thu giữ phí bảo trì. Thay vào đó, cư dân đóng vào một tài khoản độc lập do cơ quan chức năng quản lý (chẳng hạn Sở Xây dựng, UBND quận…) và sẽ bàn giao khi có BQT. 

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho hay quỹ bảo trì rất lớn, từ vài tỉ đến hơn trăm tỉ đồng. Việc để CĐT thu giữ khoản này là cực kỳ rủi ro. “Tuy nhiên, giao tiền cho BQT cũng nguy hiểm không kém nếu ban có ý đồ xấu, làm không hết trách nhiệm. Thực tế đã xảy ra rất nhiều lùm xùm tiêu cực về quỹ bảo trì ở cả CĐT và BQT” - ông Đực nói. Theo ông, giải pháp là không đặt ra việc đóng phí bảo trì 2% để không tập trung một khoản tiền quá lớn vào tay ai. 

“Các hộ dân sẽ đóng từng năm, tỉ lệ có thể là 0,1% trên giá thành xây dựng vì chỉ bảo trì tòa nhà. Khi đó dù BQT hay CĐT nắm giữ thì cũng không quá lớn, tránh được rủi ro mà công tác bảo trì vẫn trôi chảy” - ông đề xuất.

Theo tieudung24h