Trẻ có nguy cơ bị ung thư máu nếu cha mẹ hút thuốc lá

Theo một nghiên cứu mới, trẻ có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu cao hơn so với người lớn nếu cha mẹ hút thuốc lá.

Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và trí tuệ của trẻ nhỏ mà còn khiến cho tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ em cao hơn so với người lớn. Bởi trong khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và đặc biệt là trẻ em.

Trẻ có nguy cơ bị ung thư máu nếu cha mẹ hút thuốc lá

Khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Ảnh minh họa

Khói thuốc lá thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác ở trẻ em.

Trẻ em phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động nếu người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai, hoặc nếu mẹ là người hút thuốc thụ động, hoặc trẻ sống với người hút thuốc. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ mà có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi, giảm thính lực và dễ gặp các vấn đề sức khỏe... Đặc biệt, trẻ em có cha mẹ hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu.

Đó là kết quả khảo sát của các nhà khoa học Mỹ thuộc ĐH California - San Francisco mới được công bố trên tạp chí Cancer Research số tháng 4 nêu thêm nguy cơ thay đổi về gien dẫn đến khả năng bị ung thư máu ở nhóm trẻ em này.

Theo nghiên cứu này lần đầu tiên, các nhà khoa học đưa ra mối tương quan giữa việc hút thuốc của bố mẹ với những thay đổi di truyền rõ ràng của tế bào ung thư ở trẻ mắc bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính (ALL) - một loại ung thư máu.

Ông Adam de Smith - nhà nghiên cứu tại Trung tâm điều trị ung thư toàn diện Helen Diller, thuộc trường Đại học California San Francisco cho biết: "Khói thuốc lá độc hại có ảnh hưởng tới các gen của tế bào ung thư bạch cầu hay còn gọi là ung thư máu, một dạng phân tử của bệnh lý pháp y.

Sự biến đổi gen không phải do di truyền từ bố mẹ mà xảy ra trong các tế bào miễn dịch của trẻ. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sự phơi nhiễm khói thuốc lá xảy ra ngay trong quá trình mang thai hoặc sau sinh".

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát dữ liệu về mẫu khối u của 559 bệnh nhi bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) - một dạng ung thư máu khá phổ biến ở trẻ em. Khoảng 2/3 mẫu khối u chứa ít nhất 1 trong 8 gien bị mất đi, hiện tượng thường gặp ở bệnh ALL. Sự tổn hại về gien này phổ biến hơn ở bệnh nhi có mẹ hút thuốc lá lúc mang thai và sau khi sinh.

Trẻ có nguy cơ bị ung thư máu nếu cha mẹ hút thuốc lá

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu cao hơn so với người lớn nếu cha mẹ hút thuốc lá.. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu phát hiện mỗi 5 điếu thuốc lá mà người mẹ hút hằng ngày khi mang thai, có thể làm tăng thêm lượng tổn hại gien lên 22% và mỗi 5 điếu mẹ hút trong thời gian cho con bú thì tỉ lệ tăng thêm lên 74%.

Nghiên cứu này cũng ghi nhận rằng, tỉ lệ tổn hại gien ở trẻ cao hơn từ 7% đến 8% khi mẹ hoặc cha đứa trẻ hút 5 điếu thuốc/ngày, trước thời gian bào thai hình thành. Khảo sát cũng cho thấy bé trai nhạy cảm hơn với tác hại của thuốc lá từ người mẹ. Tuy nhiên, nghiên cứu còn chưa xác định được thời gian tổn hại gien tương ứng với bệnh ALL phát triển.

Minh Hà

Theo VietQ