Trùm "giang hồ mạng" Đường Nhuệ bị đưa ra xét xử: Án chồng án

Với cáo buộc xâm phạm chỗ ở của người khác bất hợp pháp, trùm “giang hồ mạng” Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ” và con nuôi sẽ phải hầu tòa vào ngày mai.​

Theo dự kiến, ngày 17/9, TAND TP Thái Bình sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 50 tuổi) và Bùi Mạnh Tiến (Tiến "Trắng", 26 tuổi, con nuôi Đường) về tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác" theo Điều 158 (BLHS 2015).

Chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Thị Lý, phiên tòa có 5 luật sư tham gia (2 người bào chữa cho các bị cáo, 3 người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại).

Theo cáo buộc, tháng 1/2017, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (59 tuổi, giám đốc Công ty Lâm Quyết) và bà Phạm Thị Quyết (54 tuổi, vợ ông Lẫm) vay của Đường 1,7 tỷ đồng .

Chiều 3/10/2017, nhận được tin vợ chồng ông Lẫm đi khỏi TP Thái Bình nên Đường cùng Tiến đến trụ sở Công ty Lâm Quyết ở xã Vũ Chính (TP Thái Bình) để đòi tiền. Trong thời gian từ ngày 3- 19/10/2017, Đường đã giao cho nhiệm vụ Tiến xâm nhập, chiếm giữ trái phép và ăn ngủ, sinh hoạt tại phòng khách của Công ty Lâm Quyết mà không được sự đồng ý của ông Lẫm, bà Quyết.

Do vậy, VKSND TP Thái Bình nhận định, hành vi của Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến đã phạm tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác".

Trước khi bị đưa ra xét xử vụ án này, Đường "Nhuệ" đã bị Toà án tuyên phạt 6 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích". Riêng vụ ăn chặn tiền hỏa táng, Đường "Nhuệ" và đồng bọn đang được cơ quan công tố hoàn thiện hồ sơ để sớm đưa ra xét xử.

Đối với Tiến "Trắng" cũng đã bị tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích" và cũng đang bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" trong vụ án vợ chồng Đường ăn chặn tiền hỏa táng tại tỉnh Thái Bình.

trum-giang-ho-mang-duong-nhue-bi-dua-ra-xet-xu-an-chong-an

Đường "Nhuệ" tại một phiên tòa trước đó (ảnh TL)

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, hành vi của Đường và Tiến đã xâm phạm chỗ ở trái phép của gia đình ông Lẫm. Bởi lẽ, chỗ ở của công dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Nó có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là thuộc sở hữu nào như nhà riêng, tập thể, nhà thuê, mượn…

Hậu quả của tội danh này là làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này, đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân mà xâm phạm đến các quyền khác thì tuỳ từng trường hợp mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

"Nếu hành vi phạm tội của Đường "Nhuệ" và con nuôi gây thiệt hại về tài sản cho bị hại thì ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS năm 2015, các đối tượng này còn phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành", luật sư Tuấn chia sẻ.

Cũng theo luật sư Tuấn, người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau. Trong đó, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này nên việc xác định chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Trên thực tế, mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác; có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở; có người mong lấn chiếm được một phần chỗ ở của người khác…

"Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, an ninh cá nhân của con người, là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân.

Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và còn được cụ thể hoá bởi những quy định khác của pháp luật", luật sư Tuấn phân tích.

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo GiaDinh