Từ 1/1/2018: Sử dụng Bitcoin trong thanh toán sẽ bị xử lý hình sự

Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản yêu cầu cơ quan Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, phòng, chống các hành vi liên quan việc sử dụng các đồng tiền điện tử trong thanh toán trên địa bàn.

Yêu cầu này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong khi chờ đợi có khuôn khổ pháp lý chính thức cho tiền điện tử kiểu Bitcoin.

Từ 1/1/2018: Sử dụng Bitcoin trong thanh toán sẽ bị xử lý hình sự

Theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Tại văn bản chỉ đạo, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp Cục Thanh tra, NHNN TP chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến việc sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng phải thực hiện thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về thanh toán không hợp pháp, bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng theo quy định.

Bên cạnh việc cập nhật và tham mưu UBND TP.HCM triển khai kịp thời các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM còn phải thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về những rủi ro liên quan đến các đồng tiền điện tử để người dân và doanh nghiệp nắm và hiểu rõ, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán và phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Thực tế, dù không được xem là phương tiện thanh toán nhưng với sự tăng, giảm giá liên tục trong thời gian ngắn của tiền điện tử như Bitcoin đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ngân hàng Nhà nước thì khẳng định, Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân.

Còn theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên hiện nay trên thị trường việc giao dịch các loại tiền điện tử vẫn diễn ra rầm rộ.

Trước đó, Ấn Độ đã trở thành quốc gia mới nhất lên tiếng cảnh báo về hoạt động đầu tư vào các loại tiền kỹ thuật số, kể cả đồng tiền ảo bitcoin, do sự biến động liên tục và tiềm ẩn nhiều rủi ro của chúng.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo này sau khi Hàn Quốc quyết định cấm giao dịch các loại tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư cần phải thận trọng.

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, các loại tiền kỹ thuật số không có giá trị hợp pháp và không được hỗ trợ bởi bất kỳ loại tài sản nào. Việc đầu tư vào tiền ảo có nguy cơ bị đổ vỡ bất kỳ lúc nào với hậu quả kéo dài.

Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đồng thời là đồng tiền điện tử phát triển "nóng" nhất, khi mà các đồng tiền ảo khác không đạt được mức tăng kỷ lục và tốc độ tăng giá trị nhanh chóng như bitcoin.

Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này. Giá trị đồng bitcoin biến động liên tục, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Giá bitcoin đã giảm gần 40% từ mức cao kỷ lục là 19.500 USD trong tháng này, khi các nhà đầu tư rút vốn sau khi giá đồng bitcoin tăng cao.

Cùng với Ấn Độ, Israel cũng đã cấm các công ty hoạt động dựa trên đồng bitcoin và một số đồng điện tử khác giao dịch niêm yết cổ phiếu trên Sàn chứng khoán Tel Aviv (TASE).

Tính từ đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 7.000 máy đào Bitcoin, Litecoin chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc qua Cục Hải quan TP.HCM và Hà Nội. Trong số hơn 7.000 máy, Cục Hải quan TP.HCM nhập tới hơn 7.000 máy đào Bitcoin và Litecoin, Cục Hải quan Hà Nội nhập ít hơn với 190 máy Bitcoin và 350 máy Litecoin.

Đáng chú ý, riêng tại TP.HCM, chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm, số lượng máy đào Bitcoin, Litecoin được nhập về ồ ạt với số lượng hơn 5.000 máy.

Cũng tại TP.HCM, hiện đã xuất hiện nhiều địa chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin như quán cafe, nhà hàng ăn uống, bán pizza... Chỉ cần khách có mã code bằng bitcoin là có thể thanh toán.

Tuy nhiên theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo VietQ