Từ livestream đến tăng tốc bỏ chạy rồi nói lý, hàng loạt phi vụ vi phạm giãn cách vẫn phải nhận cái kết bẽ bàng

Khi bị phát hiện nhắc nhở, xứ lý, lẽ ra phải nhìn nhận sai để khắc phục, nhiều người vi phạm không chỉ cãi ngang mà còn lớn tiếng chỉ trích, cuối cùng phải nhận hình phạt từ pháp luật và sự chỉ trích từ dư luận.

Cặp vợ chồng gây rối chốt kiểm dịch chợ, còn tự livestream cho thiên hạ cười chê

Từ livestream đến tăng tốc bỏ chạy rồi nói lý, hàng loạt phi vụ vi phạm giãn cách vẫn phải nhận cái kết bẽ bàng - Ảnh 2.
Để đảm bảo an ninh trật tự, giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, một số quận nội thành Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho các hộ dân cư. Tuy nhiên, chiều 28/7, một cặp vợ chồng không có phiếu đi chợ theo quy định vẫn phi xe vào chợ Yên Phụ (Tây Hồ).

Đến đầu chợ, chốt kiểm dịch đã chặn cặp đôi lại, yêu cầu ra ngoài. Hai người đã có hành vi chống đối, gây rối ầm ĩ tại chốt kiểm dịch. Những đoạn clip do các nhân chứng xung quanh ghi lại sự việc đã gây xôn xao cộng đồng mạng.

Khi cán bộ công an tại chốt kiểm dịch liên tục yêu cầu họ ra ngoài, không được vào trong chợ, người đàn ông đã có thái độ không hài lòng. Anh này khăng khăng: "Giấy tờ tôi có đầy đủ đây", tuy nhiên có phiếu vào chợ thì không có. Bị từ chối nhiều lần, người này tỏ ra kích động, bảo vợ rút điện thoại ra... livestream.

Người phụ nữ này liên tục dí thẳng camera điện thoại vào mặt công an viên, nói liên tục bằng giọng điệu thách thức: "Tôi phải quay clip làm bằng chứng. Anh là cái gì ở đây? Anh có nhiệm vụ gì? Anh sai tôi có quyền quay. Thẻ của anh đâu đưa đây...", dù lực lượng chức năng yêu cầu tắt máy.

Hai người này thậm chí còn quá khích đến mức tự mình... thông chốt, vừa xông vào trong vừa la hét, túm áo lực lượng chức năng. Các nhân chứng đứng xung quanh quan sát vụ việc thậm chí còn phải bức xúc chỉ mặt điểm tên: "Đây, cô này đã đánh công an", "Giữ họ lại đi, cưỡng chế đi, người dân ủng hộ các anh".

Sau vài phút giằng co quyết liệt, lực lượng chức năng cuối cùng cũng cưỡng chế được hai đối tượng có hành vi chống đối và đưa về phường để giải quyết, xử phạt. Được biết, hai vợ chồng có địa chỉ tại phường Phúc Xá (Ba Đình), còn địa điểm xảy ra vụ việc là phường Yên Phụ (Tây Hồ).

Sau khi xem clip, dân mạng thống nhất rằng, hành động của cặp đôi là không chấp nhận được, đặc biệt là trong thời điểm chống dịch căng thẳng.

Người đàn ông ra đường bị công an yêu cầu đứng lại vẫn khăng khăng: Người ta đi tập thể dục

Từ livestream đến tăng tốc bỏ chạy rồi nói lý, hàng loạt phi vụ vi phạm giãn cách vẫn phải nhận cái kết bẽ bàng - Ảnh 3.

Hình cắt từ clip

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông lớn tuổi tập thể dục trên một tuyến phố ở Hà Nội được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đoạn clip này, khi cán bộ công an bắt gặp, người này thậm chí còn không đeo khẩu trang và để khẩu trang trong túi quần.

Khi bị nhắc nhở và yêu cầu dừng lại và chấp hành xử phạt theo quy định, người đàn ông nhất quyết đòi đi tập tiếp. "Đứng làm gì, xử lý cái gì... Tao đi tập thể dục, mày mất lịch sự, người ta đi tập thể dục", người đàn ông khăng khăng nói.

Sau đó, người đàn ông này cố tình đẩy cán bộ công an với mong muốn tiếp tục được đi tập thể dục. "Người ta đi tập thể dục chứ làm gì đâu", người này nói.

Đoạn clip sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều người chỉ trích hành động vô ý thức của người đàn ông đi tập thể dục giữa thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

"Trong khi cả nước chống dịch thì vẫn có những cá nhân hành động thiếu ý thức thế này".

"Thay vì ra đường tập thể dục có thể tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì hãy ở yên trong nhà. Đừng vì hành động của một cá nhân mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng", một số bình luận của cộng đồng mạng.

Người đàn ông tăng tốc bỏ chạy khi bị phát hiện ra đường không cần thiết trong thời gian giãn cách

Từ livestream đến tăng tốc bỏ chạy rồi nói lý, hàng loạt phi vụ vi phạm giãn cách vẫn phải nhận cái kết bẽ bàng - Ảnh 4.
Trên mạng xã hội mới đây đã lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông đang chạy bộ trên đường thì công an đang đi tuần tra, làm nhiệm vụ phòng chống dịch bắt gặp và yêu cầu dừng lại: "Anh ơi, mời anh đứng lại đây, tôi bảo anh đứng lại".

Tuy nhiên, có lẽ do biết mình đang vi phạm quy định nên người này lại dồn hết sức chạy bỏ chạy, mặc tiếng gọi của lực lượng chức năng.

Quá bức xúc trước hành động sai trái lại còn có thái độ bất hợp tác của người đàn ông, công an lái xe ô tô đuổi theo, nói lớn qua loa đầy tức giận:

"Ông muốn chạy thì ông làm người phải có ý thức chứ hả? Chỉ thị thông báo liên tục, ông đứng lại đi. Ông có chạy được không? Tôi đến tận căn hộ của ông tìm ông xuống đấy".

Sau một đoạn đường chạy, cuối cùng người đàn ông cũng phải dừng lại theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Chưa rõ đối tượng sẽ bị xử phạt ra sao nhưng hành vi thiếu ý thức này vấp phải chỉ trích lớn của dân mạng.

Sở Tư pháp Hà Nội công bố mức phạt với 16 hành vi liên quan vi phạm quy định về phòng chống COVID-19.

Mức phạt tiền cao nhất 200 triệu đồng, xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm. Cụ thể:

- Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.

- Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa một triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa 2 triệu đồng.

- Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh sẽ bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.

- Người nào không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh thì bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.

- Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng với cá nhân, 40 triệu đồng với tổ chức.

- Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng với cá nhân, 40 triệu đồng với tổ chức.

- Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch COVID-19, bị phạt tiền tối đa 30 triệu đồng.

- Ai trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm).

- Ai trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật Hình sự. (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm).

- Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền COVID-19 cho người khác bị xử lý theo điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh; mức phạt tối đa 12 năm tù.

- Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, xuyên tạc về tình hình COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 288 Bộ luật Hình sự; mức phạt tù tối đa 7 năm tù hoặc phạt tiền tối đa 200 triệu đồng.

- Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo điều 330 Bộ luật Hình sự về tội Chống người thi hành công vụ, mức phạt tù tối đa 7 năm.

- Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ massge, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động; mức phạt tối đa 12 năm tù.

- Ai hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội Đầu cơ theo điều 196 Bộ luật Hình sự; phạt tù tối đa 15 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng.

- Người lợi dụng dịch bệnh đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự; mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất là chung thân.

- Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật Hình sự; mức phạt tối đa 12 năm tù.

K.N (th)

Theo GiaDinh