Tự tử học đường: đừng để Việt Nam đi theo vết xe đổ

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới trung bình có khoảng 3000 người trẻ tuổi chết vì tự tử mỗi ngày. Con số này chưa kể những trường hợp tự tử không thành. Những người có ý định tự tử nhiều hơn khoảng 20 lần số người tử vong vì tự tìm đến cái chết. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung – Đông Âu và châu Á.

tu-tu-hoc-duong-dung-de-viet-nam-di-theo-vet-xe-do
(Ảnh minh họa)

Ở Châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có tỷ lệ trẻ tự tử cao nhất. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ ngày càng gia tăng. Dựa vào báo cáo của Cục cảnh sát quốc gia Nhật bản, năm 2014, số lượng học sinh, sinh viên tự tử là 874 người; chiếm 3,4% tổng số trường hợp tìm đến cái chết.

Sức ép quá lớn từ việc học tập ở trường và tìm việc làm là những lý do chính làm gia tăng tỷ lệ thanh niên tự tử  ở Trung Quốc. Số liệu thống kê gần đây của Hội sức khỏe tâm thần Trung Quốc cho biết, tự tử chiếm hơn 26% số trường hợp tử vong trong nhóm tuổi từ 15-34 tuổi.

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát quốc gia năm 2011 ở nhóm tuổi từ lớp 9 – 12 tại các trường công lập và dân lập tại Mỹ cho thấy, 16% học sinh có suy nghĩ nghiêm túc về chuyện tự tử, 13% cho biết đã lập 1 kế hoạch cho việc này. Mỗi năm tại nước này có khoảng 157.000 thanh thiếu niên được điều trị y tế đối với những tổn thương do tự trẻ gây ra.

Quay trở lại Việt Nam, ngành giáo dục mỗi năm đều có cải tiến chất lượng, tuy nhiên chương trình học quá nhiều làm cho các em học sinh vô cùng căng thẳng. Thêm vào đó, áp lực thành tích học tập từ cha mẹ đặt ra đã vô hình chung tạo ra gánh nặng đến con cái. Nhiều em học sinh đã rơi vào tình trạng stress nặng dẫn đến bị trầm cảm do không có người thấu hiểu và chia sẻ.

Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy, trong hơn 10.000 thanh thiếu niên thì trên 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tử tự. So sánh với số liệu của cuộc điều tra trước đó vào năm 2003 thì tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên khoảng 30%.

Việc cha mẹ đặt kỳ vọng quá nhiều vào con cái không xấu nhưng đừng nên tạo quá nhiều áp lực cho con bằng những nhu cầu, mong muốn riêng của bản thân. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình.

Trong khi ở lứa tuổi đi học, con bạn phải đối diện rất nhiều vấn đề về tâm sinh lý, môi trường sống, các mối quan hệ, áp lực học hành… chúng rất cần được thấu hiểu và những lời động viên, chia sẻ từ các bậc phụ huynh, những người có kinh nghiệm sống dày dặn, thì bạn lại quay lưng với chúng, như vậy sẽ khiến chúng càng áp lực và mất niềm tin vào cuộc sống, dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

Cha mẹ nên quan tâm đến con cái theo cách hiện đại và khoa học nhất, lựa chọn cho mình cách dạy con cân đối nhiều mặt để trẻ phát triển toàn diện.

Thanh Vy (TH)