Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật càng tăng

Người cao tuổi (NCT) có tỷ lệ mắc bệnh sỏi ống mật chủ cao. Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị sỏi ống mật chủ đối với NCT có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe; cần cân nhắc các hình thức điều trị cũng như có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hợp lý.

Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật càng tăng
Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp người cao tuổi đề phòng với bệnh tật. Ảnh: P.V

BS Phạm Hữu Dũng, Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, TP Cần Thơ) khuyến cáo: Những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh đi kèm dễ gặp biến chứng khi thực hiện can thiệp lấy sỏi như: Thủng ruột, chảy máu, viêm tụy và các nguy cơ về gây mê, tim mạch…

Tuy nhiên, nếu để viên sỏi bị tắc lâu ngày sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, nhiễm trùng đường mật, có thể gây nhiễm trùng máu, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Việc điều trị sỏi ống mật chủ ở NCT nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa và cân nhắc kỹ phương pháp điều trị. Ngoài ra, sau can thiệp cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để tránh sỏi tái phát.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, sỏi ống mật chủ chính là mối nguy hiểm đối với sức khỏe NCT. Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật càng tăng. Bệnh sỏi mật thường chỉ xuất hiện các triệu chứng mơ hồ như: Đầy chướng, chậm tiêu. Tuy nhiên, khi đường mật bị tắc nghẽn, thường có 3 triệu chứng điển hình: đau hạ sườn phải, sốt, vàng da.

Đặc biệt, sỏi ở ống mật chủ, các triệu chứng trên sẽ tái phát nhiều lần. Người bệnh cần sớm đi khám để được tiến hành một số xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu và chụp, siêu âm ổ bụng, đường mật, giúp chẩn đoán chính xác bệnh trạng và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

Nếu không, sỏi ống mật có thể gây tắc nghẽn đường mật, dẫn đến nhiễm trùng và sinh ra các biến chứng tại chỗ (viêm đường mật, chảy máu đường mật, viêm phúc mạc mật…) hay toàn thân (sốc nhiễm trùng, viêm tụy cấp, suy thận cấp…).

Các biến chứng do sỏi ống mật chủ gây ra có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Tùy tình trạng sức khỏe người bệnh và tính chất của sỏi, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp. Hiện có các phương pháp điều trị phổ biến: Điều trị nội khoa (dùng thuốc làm tan sỏi, thuốc giảm đau tĩnh mạch, thuốc kháng sinh), nội soi lấy sỏi, mổ hở hoặc tán sỏi không cần phẫu thuật.

Theo BS Hữu Dũng, nội soi mật tụy ngược dòng là phương pháp tối ưu nhất để điều trị bệnh sỏi ống mật chủ, đặc biệt đối với NCT, với tỷ lệ thành công 90%. Phương pháp ít xâm lấn nên người bệnh sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nguy cơ tái phát của sỏi, người bệnh không phải điều trị nhiều lần, giảm áp lực tâm lý.

Theo GĐ