Tỷ phú Hoàng Kiều kinh doanh từ thuốc, BĐS đến thời trang, rượu

 Từ một nhân viên nhận lương 1,25 USD/giờ làm khi mới sang Mỹ, 40 năm sau, doanh nhân Hoàng Kiều đã góp mặt trong danh sách 400 người giàu nhất xứ cờ hoa, với tài sản 3,8 tỷ USD.

  Tỷ phú Hoàng Kiều kinh doanh từ thuốc, BĐS đến thời trang, rượu

Hoàng Kiều cũng rất thành công trong hoạt động kinh doanh rượu vang

Tuổi thơ gian khó

Sinh năm 1944 tại xã Bích Khê (Quảng Trị), tuổi thơ của ông Hoàng Kiều là một chuỗi ngày dài cơ cực, nghèo khó. Năm 5 tuổi, ông chuyển tới Sài Gòn sống cùng người chú Hoàng Thi Thơ - một nhạc sĩ nổi tiếng vào thời điểm đó.

Những ngày tháng sau đó, ông Hoàng Kiều được chú tạo điều kiện cho đi học tới đại học, chuyên ngành khoa học. Sự kiên nhẫn và khả năng vượt khó thời được trui rèn qua năm tháng đã giúp ông tự tin rằng mình có thể vượt mọi thử thách, đặc biệt khi ông xây nhà máy cho Shanghai RAAS sau này mà chẳng có trong tay thiết bị nào.

Bước ngoặt tại nước Mỹ

Khi được một nhân viên Abbott Laboratories phỏng vấn, ông Hoàng Kiều nhận ra mình không hề có những kỹ năng cần thiết đối với công việc. Tuy nhiên, ông vẫn rất tự tin cho biết: “Với trí tuệ của mình, tôi có thể học được”.

Tuy nhiên, ông vẫn được nhận vào làm nhân viên của Abbott với mức lương chỉ 1,25 USD/giờ, vào đúng ngày sinh nhật của mình. Hoàng Kiều bắt đầu làm việc 2 ngày sau đó, di chuyển bằng chiếc xe máy 50cc được hỗ trợ.

Bước ngoặt đầu tiên đối với cuộc đời của vị tỷ phú gốc Việt này xuất hiện vào năm 1975, khi ông cùng cả gia đình rời Việt Nam tới Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới. Thời gian đầu mới đặt chân tới nước Mỹ, mọi chuyện đều không hề dễ dàng với ông và gia đình. Lúc đó, ông không có một công việc ổn định, không có kinh nghiệm làm việc cần thiết, còn thu nhập ngày một thấp.

Trải qua thời gian, Hoàng Kiều dần được thăng chức trong Abbott. Sau 6 tháng, ông đã được bổ nhiệm vào vị trí giám sát và rồi quản lý. Cuối cùng, ông trở thành giám đốc phụ trách kiểm tra các mẫu huyết tương.

Đây cũng là lúc ông được Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận phòng thí nghiệm huyết tương đạt chuẩn. Đó là bước đệm vững chắc để ông bước chân vào nghiên cứu bệnh viêm gan B.

“Tôi rất tự hào nói rằng mình đã lấy được chứng nhận đầu tiên của Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) về phòng thí nghiệm huyết tương đạt chuẩn”, ông nói.

Năm 1980, Hoàng Kiều đã tự mình lập công ty chuyên nghiên cứu về huyết tương mang tên Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) và bắt đầu mua lại trung tâm plasma ở Anh, Mỹ. Tới năm 1985, ông đã sở hữu 11 trung tâm huyết tương nổi tiếng trên toàn nước Mỹ.

Thời gian sau này, ông quyết định mở rộng thị trường ra toàn cầu trước khi chọn Trung Quốc  là nơi đặt trụ sở của công ty. Hoàng Kiều cho biết, vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, rất ít lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tập trung vào thị trường này.

“Khi đó, ai nghĩ đến Trung Quốc chứ? Chỉ có tôi mà thôi”, ông nói.

Năm 1987, dịch viêm gan A bùng phát Trung Quốc, khiến 300.000 người mắc bệnh. “Tôi đã nói với họ là tôi có thể giúp”, ông nhớ lại.

Khi đó, không một công ty nước ngoài nào được phép sở hữu quá 50% vốn của một doanh nghiệp Trung Quốc. Vậy nên, vào năm 1992, Hoàng Kiều đã hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải để thành lập Shanghai RAAS và bắt đầu bán AlbuRAAS - loại thuốc chứa albumin - protein chính tạo nên huyết tương, và các loại thuốc từ huyết tương khác.

Ngày nay, nhu cầu các sản phẩm của ông nhiều đến nỗi Shanghai RAAS không đủ để cung cấp cho một tỉnh của Trung Quốc. Thậm chí, phần lớn tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều cũng đều “sinh sôi” từ 186,3 triệu cổ phần ở đây, với doanh thu khoảng 214 triệu USD và vốn hóa 17,7 tỷ USD.

Công ty này còn được xếp thứ 20 trong danh sách Công ty Sáng tạo nhất thế giới và được chọn vào danh sách 200 Doanh nghiệp doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2015.

Còn tại Mỹ, sau thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất huyết tương, ông Hoàng Kiều tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rượu vang. Bằng chiến lược thâu tóm, ông đã mua lại hãng rượu Michael Mondavi Family tháng 6.2014, rồi khánh ra mắt hãng rượu này vào tháng 11 cùng năm. Đồng thời, ông cũng mời nữ diễn viên nổi tiếng Lý Băng Băng làm gương mặt đại diện.

Theo tạp chí Forbes, ngoài dược phẩm, ông còn quan tâm tới lĩnh vực bất động sản, khách sạn và mới đây nhất là lĩnh vực thời trang.

Với những thành công đó, năm 2015, tỷ phú Hoàng Kiều được xếp hạng 149 trong 400 tỷ phú giàu nhất Thế giới theo danh sách The Forbes 400 được công bố hàng năm. Tuy nhiên, sang năm 2016, vị tỷ phú gốc Việt đã rơi xuống vị trí 214 trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400) với tổng giá trị tài sản là 3,1 tỷ USD, giảm 700 triệu USD và tụt 65 bậc so với năm 2015.

Giấc mộng dang dở tại quê nhà

Sau những thành công ở Mỹ và Trung Quốc, ông Hoàng Kiều tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng mua để đất đai ở Tiền Giang và dự định thâu tóm cổ phần của Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã nhanh chóng vỡ mộng với cuộc chơi này và bỏ cuộc do việc triển khai xây dựng hàng loạt công trình gặp trục trặc và cuộc thi hoa hậu thế giới cũng chưa được cấp phép chuyển từ Nha Trang về Tiền Giang. Những sự việc nêu trên đã khiến tiếng tăm trong nước của ông Hoàng Kièu bị ảnh hưởng nặng nề.

Kể từ cuối 2010 đến nay, ông Hoàng Kiều gần như không còn được nhắc đến với các dự án tại Việt Nam. Các hoạt động chính của doanh nhân này sau đó chủ yếu ở Thượng Hải.

Theo Danviet