Uber gặp khó, tài xế hoang mang

Uber vẫn tiếp tục gặp khó sau khi Cục thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt và truy thu thuế với số tiền 66,8 tỷ đồng, thì một loạt đề xuất ập đến. Điều đó, khiến nhiều lái xe không khỏi hoang mang lo lắng.

Uber vẫn tiếp tục gặp khó sau khi Cục thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt và truy thu thuế với số tiền 66,8 tỷ đồng, thì một loạt đề xuất ập đến. Điều đó, khiến nhiều lái xe không khỏi hoang mang lo lắng.

Tài xế Uber hoang mang trước nỗi lo truy thu thuế. ảnh: T.G

Nhiều đề xuất “siết” hoạt động của Uber

Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa đề xuất phải có biển cấm xe Grab, Uber tại một số tuyến phố tại Hà Nội để tạo sự cạnh tranh bình đẳng với taxi. Theo Hiệp hội này, hiện nay rất nhiều tuyến đường cấm xe taxi làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.

Việc cấm đường dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong khi các loại hình đặt xe qua mạng như Uber, Grab không hề bị ảnh hưởng. Cũng theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, các xe hợp đồng hãng Uber, Grab hoạt động không có sự kiểm soát đang gây ra nhiều hệ lụy cho giao thông như mất trật tự, gia tăng phương tiện, phá vỡ quy hoạch giao thông, tự do đón khách ngay tại các tuyến đường cấm taxi.

Trong khi đó ở TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM muốn Uber, Grab tạm thời ngưng kết nối thêm xe mới. Sở GTVT TP.HCM sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm của Uber, Grab tạm ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới, nhằm ổn định tình hình vận tải trên địa bàn thành phố.

Nhiều diễn đàn vận tải trên mạng xã hội cho rằng, đang có sự cản trở việc cạnh tranh lành mạnh. Họ cho rằng, khi khoa học công nghệ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, cần có cái nhìn đa chiều. Nếu không nhìn đúng bản chất vấn đề thì không bao giờ quản lý được chứ chưa nói đến chuyện đúng hay sai.

Thay vì hạn chế loại hình vận tải mới này thì nên bắt buộc taxi truyền thống phải có thay đổi công nghệ. Nếu nói đến bài toán tối ưu hóa, theo nghiên cứu rộng rãi thì tỷ lệ lấp đầy Uber, Grab là hơn 75% còn taxi truyền thống được 25%, như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 Uber.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đòi truy thu từ Uber 66,68 tỷ đồng tiền thuế. Quyết định của Cục Thuế TP.HCM nêu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, phía Uber có trách nhiệm nộp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này mà công ty không chấp hành thì sẽ bị cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành.

Tài xế lo mất tiền oan

Những ngày qua, từng xuất hiện thông tin Uber Việt Nam đã chính thức tạm dừng hoạt động cho đến khi các thủ tục thuế và nghĩa vụ về thuế được thực hiện. Mặc dù đại diện Uber đã khẳng định đó hoàn toàn là tin đồn, không đúng sự thật nhưng vẫn khiến các tài xế Uber không khỏi lo lắng. Việc ngành thuế TP.HCM truy thu thuế Uber hoạt động trên địa bàn khiến giới lái xe ở Hà Nội càng băn khoăn hơn.

Anh Dương Việt Nam ở Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, tháng 3/2016 anh quyết định mua một chiếc KIA để chạy Uber. Do hộ khẩu ở Nghệ An lại muốn có xe biển Hà Nội nên anh đã đăng ký giấy phép hộ kinh doanh cá thể (HKD) để tham gia chạy xe Uber. Anh Nam cho biết để có “dịch vụ trọn gói” phải mất 5 triệu đồng.

Đầu tháng 9, có công việc mới tại một nhà in nên anh Nam có ý định bán xe và được một khách hàng đồng ý mua với mức giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên xe, bên mua yêu cầu anh xuất hóa đơn vì phát hiện đây là xe đăng ký diện HKD. Khi đến cơ quan thuế để làm các thủ tục xuất hóa đơn, anh Nam bị cơ quan thuế truy thu nhiều khoản thuế phí như: Môn bài, thuế thu nhập cá nhân…

Không những thế, anh Nam còn bị xử phạt do chậm khai báo cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế từ khi mua xe. Tổng các khoản phải nộp để được xuất hóa đơn lên tới gần 20 triệu đồng.

“Vì những rắc rối trên mà tôi không bán xe nữa. Tất cả những điều về thuế phí trước đây tôi đều chưa nghe tới. Bây giờ vẫn chạy Uber nhưng khá lo lắng bởi nghe trong TP Hồ Chí Minh truy thu thuế, không biết tại Hà Nội có thu không? Nếu thu lại mất một cơ số tiền?”, anh Nam cho biết.

Không chỉ riêng trường hợp của anh Nam mà khá nhiều lái xe Uber rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh Nguyễn Hồng Quân quê ở Nghi Sơn, Thanh Hóa đang chạy xe Grab tại Hà Nội cũng cho biết: “Chiếc Huyndai i10 tôi đang chạy hiện cũng đăng ký với hình thức HKD. Tuy chưa có nhu cầu chuyển nhượng nhưng khi nghe về thông tin truy thuế và tài xế có phải trả hay không khiến tôi rất lo lắng”.

Là người tự làm các thủ tục đăng ký xe diện HKD, anh Trương Minh Tuấn, chủ xe BKS 30E- 546.xx tại Hà Nội cũng băn khoăn: “Khi tham gia lái xe cho Uber, tôi tìm hiểu thông tin khá kỹ nên tự tay đi làm các thủ tục đăng ký. Hiện nay, ngoài thuế môn bài đóng từ thời điểm kê khai đầu năm khoảng 1 triệu đồng, hàng tháng tôi vẫn đều đặn lên cơ quan thuế để đóng các loại thuế phí còn lại. Tuy nhiên, từ khi có quy định xe Uber và Grab bắt buộc phải có pháp nhân là đơn vị vận tải, tôi bỗng nhiên “một cổ đôi tròng” khi phải đóng cả thuế tại cơ quan thuế lẫn 500.000 đồng/năm cho đơn vị vận tải”.

Về vấn đề ai phải nộp số tiền truy thu thuế, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Uber đang có quá nhiều người tham gia hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý sở tại. Ví dụ, đối với các nước lái xe phải đăng ký kinh doanh với cơ quan sở tại và phải tự nộp thuế. Nhưng ở Việt Nam, lái xe không phải đăng ký chở khách và cũng có hàng nghìn lái xe chở khách cho Uber, nộp phí dịch vụ cho Uber, nên chỉ có Uber mới biết được bao nhiêu người tham gia, bao nhiêu người chở khách, thu nhập bao nhiêu.

“Chính vì thế, cơ quan chức năng đã áp mức thuế khoán và Uber Việt Nam phải đứng ra chịu trách nhiệm, bởi đó là đơn vị nắm được số tài xế sử dụng dịch vụ, chở khách đi bao xa và nộp phí cho Uber và Uber chịu trách nhiệm nộp thuế thay cho những tài xế. Do đó, Uber phải chịu trách nhiệm thay cho tài xế, Uber nộp hộ cho tài xế”, ông Thịnh nói.

Theo giadinh