Uống rượu bia chung với nước ngọt có hại không?

Khi uống bia, nhiều người hay trộn chung nước ngọt hoặc nước tăng lực mà không ngờ việc làm này hại đến mức nào.

Uống bia với nước ngọt, nước tăng lực không giúp chống say

Nhiều người thường mắc sai lầm khi nghĩ rằng pha loãng bia với các loại nước ngọt có gas sẽ làm giảm độ cồn của bia, khi uống vào sẽ lâu say hơn. Trên thực tế, cách "chống say" này hoàn toàn phản tác dụng.

Theo lý giải của các nhà khoa học, trong quy trình sản xuất nước ngọt có gas, người ta luôn cho vào một lượng carbon dioxide (CO2) vừa đủ để hòa tan cùng chất lỏng. Quá trình này được thực hiện dưới dưới áp suất và áp lực cao. Khi giảm áp suất, carbon dioxide thoát ra khỏi sản phẩm dưới dạng bóng khí nhỏ làm nước "sủi bọt" như ta thường thấy.

Uống rượu bia chung với nước ngọt có hại không?

Uống rượu bia chung với nước ngọt, nước tăng lực dễ dẫn tới nhiều tai nạn, ẩu đả,…

Về cơ bản, carbon dioxide có tác dụng đẩy nhanh sự hấp thụ của niêm mạc đường ruột đối với dịch thể. Điều này lý giải tại sao khi khát nước, chỉ cần uống một ngụm nước ngọt có gas sẽ có tác dụng "giải khát", giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại trạng thái tỉnh táo.

Cũng chính vì tác dụng ấy mà khi nước ngọt có gas được pha vào bia, thành phần carbon dioxide trong nước ngọt sẽ thúc đẩy lượng cồn trong bia hấp thu vào niêm mạc đường ruột nhanh hơn. Do đó khi uống hỗn hợp "bia pha nước ngọt" sẽ khiến bạn chóng say và mệt mỏi hơn, đặc biệt khi đói bụng.

Một nghiên cứu khác của Đại học Victoria (Canada) cũng khuyến cáo về sự nguy hại của việc uống rượu bia chung với các loại thức uống chứa cafein.

Các thức uống được đề cập đến bao gồm: nước tăng lực, nước ngọt có ga.

Theo BBC, các chuyên gia khuyên không nên pha rượu bia và đồ uống có ga với nhau. Trong khi thực tế, việc pha rượu bia với nước ngọt có ga, nước tăng lực ngày càng phổ biến trong các quán rượu, bar, câu lạc bộ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy uống rượu bia với thức uống có chứa cafein nguy hiểm hơn là uống rượu bia đơn thuần. Cafein trong các loại thức uống này có thể khiến người dùng cảm thấy tỉnh táo và nâng cao “tửu lượng” hơn bình thường nhưng đồng thời làm tăng nhịp tim, tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch và các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo tình trạng “xỉn thức” (người uống thức/tỉnh ngủ trong khi đã say rượu) của người uống rượu bia pha với các loại nước ngọt, nước tăng lực,… có thể dẫn tới nhiều tai nạn, ẩu đả,…

Theo giải thích của các nhà khoa học, dưới tác động của rượu bia, não bị ức chế, không thể kiểm soát hành vi, ý thức và dễ bị kích động. Trong khi, đồng thời với tác động của cafein, người say này cứ “thức trắng mắt”, không chịu đi ngủ cho yên.

Các chuyên gia đánh giá, khi người say cứ thức hoạt động không kiểm soát thì rõ ràng… có nhiều nguy hiểm. Khi say, não đã không thể kiểm soát, cơ thể mệt mỏi thì tốt nhất là người say rượu cần được… đi ngủ sẽ an toàn.

Theo GĐVN