Vaccine Covid-19 do Cuba sản xuất đạt hiệu quả 100% có gì đặc biệt?

Theo công bố chính thức từ Cuba, vaccine Covid-19 mang tên Abdala do Cuba sản xuất đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là kết quả được ghi nhận trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng thứ 3 của loại vaccine nêu trên. Abdala là loại vaccine đầu tiên tự sản xuất được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ Latinh. Abdala trước đó đã được thông báo đạt hiệu quả 92,28% trong phòng ngừa truyền nhiễm Covid-19 có triệu chứng.

Theo bà Marta Ayala, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) – cơ sở phát triển dược phẩm, số người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại vaccine này ở Cuba là 300.000 người.

Đại diện CIGB cũng cho hay, vaccine ngừa Covid-19 Mambisa của Cuba cũng đã được đưa vào danh sách toàn cầu các loại thuốc miễn dịch qua đường mũi tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Mabisa là 1 trong 5 vaccine, trong tổng số hơn 300 loại đăng ký trên thế giới, sử dụng qua đường mũi. Đây cũng là 1 trong 5 vaccine ngừa Covid-19 mà Cuba phát triển, tính cả Abdala và là ứng viên duy nhất sử dụng qua đường nhỏ mũi với một liều duy nhất

vaccine-covid-19-do-cuba-san-xuat-dat-hieu-qua-100-co-gi-dac-biet

 Cu Ba phát triển vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 100%. Ảnh minh họa

Theo thống kê, Cuba có 3,2 triệu người dân nước này được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, với tổng số 7,9 triệu liều đã được sử dụng. Trong đó hơn 2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng với đủ 3 liều.

Như vậy, Cuba vẫn đang triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra là tới hết tháng 8 hoàn thành tiêm chủng từ 60 – 70% dân số với 11 triệu người; cũng như vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn bộ dân số với vaccine tự sản xuất trong nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz. Chia sẻ kinh nghiệm khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất vaccine, hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan mỗi nước trao đổi thông tin chuyên môn, phối hợp để đạt thỏa thuận cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 của Cuba cho Việt Nam.

Thủ tướng Cuba khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, bao gồm việc hợp tác cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cũng có cuộc làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật Gene và công nghệ sinh học Cuba, Tập đoàn Dược - sinh học Cuba về cung ứng vaccine Covid-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ, đóng ống vaccine này tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, phía Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vaccine lớn hơn số vaccine hiện Cuba đang sản xuất, Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

“Cuba có thể đạt được những kết quả to lớn và tốt hơn”, Idania Caballero, một nhà khoa học của tập đoàn dược phẩm nhà nước BioCubaFarma, nói về những thành tựu về y tế mà nước này đã đạt được, theo bài viết trên website Trường Kinh tế Chính trị London (LSE).

Theo ghi nhận trước đó Cuba trở thành nước Mỹ Latin đầu tiên tự sản xuất được vaccine Covid-19. BioCubaFarma tuyên bố rằng vaccine Abdala của họ có hiệu quả 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Đối với Cuba, việc phát triển và xuất khẩu vaccine không chỉ là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn là cách để nước này thể hiện sức mạnh của mình trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng như đóng góp vào nền kinh tế.

Cuba được biết đến với một số đột phá về y tế, bao gồm vaccine đầu tiên điều trị bệnh viêm màng não B, và phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất đối với các vết loét nghiêm trọng do tiểu đường gây ra.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, Cuba đã sản xuất 13 loại thuốc khác nhau để điều trị các triệu chứng của Covid-19. Cuba cũng được biết đến là nước xuất khẩu vaccine sốt xuất huyết cho hơn 30 quốc gia khác nhau.

Theo VietQ

-------

Xem thêm:

Giám đốc bệnh viện tư nhận tiêm vắc xin dịch vụ 1,5 triệu đồng/liều nói gì?

Làm việc với Sở Y tế An Giang, ông Lư Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang đã "nhận sai" khi đơn vị này đăng thông tin nhận tiêm dịch vụ vắc xin cho người dân.

Sáng 16/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, chiều qua Sở Y tế An Giang đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang.

Tại buổi làm việc, ông Lư Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang xác nhận nơi đây có đăng thông báo tiêm dịch vụ vắc xin phòng Covid-19.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang nhận sai, vì đăng thông tin gây dư luận không tốt. Bệnh viện gỡ thông báo tiêm vắc xin dịch vụ trên website vào lúc 15h ngày 15/7, đồng thời chịu xử lý theo quy định pháp luật.

Sở Y tế An Giang cho biết, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện viết bản giải trình cụ thể và đăng thông tin đính chính.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở Y tế củng cố hồ sơ, rà soát văn bản pháp luật liên quan, xác định mức độ vi phạm, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định.

Trước đó, trả lời báo chí ông Lư Quốc Hùng cho biết, từ ngày 10/7 đến 15/7 đã có hơn 36.000 người trong và ngoài tỉnh An Giang đăng ký tiêm vắc xin ngừa SARS-CoV-2 tại bệnh viện này.

giam-doc-benh-vien-tu-nhan-tiem-vac-xin-dich-vu-1-5-trieu-dong-lieu-noi-gi

Thông tin tiêm vắc xin dịch vụ đã được gỡ khỏi trang website của Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang.

Về nguồn vắc xin AstraZeneca, ông Lư Quốc Hùng thông tin, trước khi đăng thông tin, bệnh viện đã liên hệ với một công ty tại TP HCM được Bộ Y tế cho phép nhập vắc xin từ nước ngoài về Việt Nam. Qua đó, công ty này cam kết cung ứng cho bệnh viện 10.000 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Được biết, Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang chỉ mới tiếp nhận đơn đăng ký, chưa thu tiền.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - An Giang thông báo trên website bệnh viện, đặt trước lịch tiêm dịch vụ vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19, với giá 1,5 triệu đồng/liều.

Nguyễn Hành

Theo Dân trí

-------

Xem thêm:

Chuyên gia lý giải vì sao mũi 1 tiêm vaccine AstraZeneca, mũi 2 lại Pfizer

Theo Bộ Y tế, trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý.

Ngày 14/7,GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho hay chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết tháng 4/2022. 

chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-mui-1-tiem-vaccine-astrazeneca-mui-2-lai-pfizer

GS Đặng Đức Anh.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc tìm nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Trên cơ sở các vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một số loại vaccine COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm. 

chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-mui-1-tiem-vaccine-astrazeneca-mui-2-lai-pfizer

Hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam.

Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vaccine là rất khó khăn. 

Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine  AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine  của Pfizer. 

Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca là hơn 280 nghìn người. 

Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vaccine  phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm…. để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vaccine cho hơn 70% người dân. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất, tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vaccine phòng COVID-19. 

Tuy nhiên, theo GS Đức Anh căn cứ số lượng vaccine được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: "Trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine  AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý". Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

V.Thu

Theo GiaDinh