Văn hóa “phong bì” khiến ngày tôn vinh nhà giáo mất đi ý nghĩa

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, bản chất của việc tặng quà cho thầy, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là tốt, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của cha ông. Nhưng ngày nay, việc tặng quà đã biến tướng, không ít phụ huynh đã tự “quy ra thóc”, tặng phong bì tiền cho giáo viên khiến ngày kỷ niệm này đã mất dần đi ý nghĩa truyền thống.

 Ngày 20/11, việc biếu phong bì cho giáo viên khá phổ biến ở các thành phố. Ảnh minh họa: Q.Anh

Ngày 20/11, việc biếu phong bì cho giáo viên khá phổ biến ở các thành phố. Ảnh minh họa: Q.Anh

Mất bản sắc vì suy nghĩ thực dụng

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) chưa đến, nhưng cả tuần qua nhiều phụ huynh đã tìm cách thể hiện sự quan tâm của gia đình với thầy, cô. Có thể thấy, những năm gần đây vào dịp này những món quà tặng thầy, cô đang thể hiện sự nặng nề về vật chất, “ghi điểm” khiến phụ huynh phải “đau đầu” chọn lựa.

Có con đang học lớp 1 trường công lập, cận kề ngày 20/11, chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang “loay hoay” chưa biết phải mua quà gì để tặng giáo viên.

Chị Hương tâm sự: “Cô không gợi ý hay gây sức ép gì, nhưng đây là lần đầu tôi nghĩ đến chuyện mua hoa, quà cho cô chủ nhiệm. Trước đó, con học trường mầm non tư thục, không phải mua hoa, quà cho giáo viên bao giờ vì trường không khuyến khích. Nhưng con giờ vào lớp 1, lớp học đông, để cô quan tâm con, tôi cũng phải tham khảo sự tư vấn của nhiều người và dự định sẽ mua bó hoa và thêm cái phong bì để cô mua gì thì mua”.

Chị Hương chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh, nhất là ở các thành phố lớn luôn phải suy nghĩ kỹ trong việc chọn quà cho giáo viên dịp 20/11. Tặng quà gì? Giá trị món quà ra sao? Phải tặng những thầy, cô nào? Phong bì bao nhiêu?..., thực sự là vấn đề khiến các phụ huynh phải “đau đầu”. Tâm lý mong con con cái được cô quan tâm, không bị trù dập, nhiều gia đình đã phải chuẩn bị những món quà đắt tiền, thậm chí là tiền “phong bì” để tặng giáo viên.

Là người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, chỉ ra một thực tế là tổ chức các ngày lễ lớn đang nặng nề về vật chất, trong đó có ngày 20/11, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta dù vẫn đang phát huy nhưng ngày càng bị biến tấu, mang màu sắc của vật chất mà xã hội gọi là “văn hóa phong bì”.

Trước đây người ta thăm thầy chỉ là hoa quả, vài cân gạo… dù nhỏ nhưng hết sức trân trọng, biết ơn người thầy. Bây giờ, một bộ phận giáo viên ham vật chất mà gợi ý, gây sức ép để phụ huynh phải quà cáp. Phụ huynh quà cáp cốt lấy lòng giáo viên ưu ái hơn cho con cái mình.

Nhiều nơi tổ chức ngày 20/11 giản dị

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, ngoài chuyện quà cáp nặng về vật chất, ngày 20/11 ở một số nơi hiện nay cũng đang được tổ chức tốn kém, lãng phí và mang màu sắc sân khấu hóa chứ không phải là ngày tri ân, cùng nhìn nhận lại vai trò của nhà giáo dẫn dắt các hế hệ học sinh.

Những hoạt động biểu diễn, liên hoan chưa nêu bật được ý nghĩa tốt đẹp của ngày dành cho các thế hệ thầy, cô. Học sinh tham gia hời hợt, phụ huynh cũng chưa thực sự quan tâm, động viên giáo viên mà cứ nghĩ rằng gửi quà là xong.

Dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, trái ngược lại với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập rượt các tiết mục biểu diễn, sân khấu quy mô ở một số trường tại các thành phố lớn, nhiều địa phương đã ban hành quy định không tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo năm nay vì lý do tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 12 vừa qua.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa có Công văn số 6100/UBND-KGVX ngày 7/11 gửi Sở GD&ĐT tỉnh về việc không tổ chức Kỷ niệm Ngày 20/11 năm nay theo đề xuất của Sở. Dịp này, ngành giáo dục cũng chỉ đạo các đơn vị bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định nề nếp dạy học.

Không tổ chức văn nghệ, liên hoan trong dịp Kỷ niệm 20/11 là yêu cầu của Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa gửi các Phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc về việc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo Sở, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua, nên ngành giáo dục toàn tỉnh tập trung công tác khắc phục, ổn định hoạt động dạy và học.

Sở yêu cầu các trường học trực thuộc tổ chức lễ kỷ niệm tại trường học trang trọng nhưng hết sức gọn nhẹ, bố trí trong 2 tiết; sau đó, tổ chức dạy học bình thường, lưu ý không tổ chức văn nghệ, liên hoan… Bên cạnh đó, không tiếp đón học sinh và cha mẹ học sinh đến chúc mừng tại nhà riêng của thầy, cô giáo.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm, tránh lãng phí nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã có thông báo gửi các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố đề nghị nhận thiệp chúc mừng điện tử trong dịp 20/11.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở này cho biết: “Sở không tổ chức đón tiếp các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan. Sở xin được đón nhận tình cảm đó của các cơ quan, đơn vị bằng thiệp chúc mừng điện tử qua địa chỉ email của Văn phòng Sở. Đây là món quà ý nghĩa nhất đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

“Có sự biến tướng nặng về vật chất trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam như hiện nay lỗi cả về hai phía: giáo viên và phụ huynh. Người lớn hãy làm gì đó để học trò nhìn vào để học tập. Tôi cho rằng, những món quà tri ân là đúng, nhưng đừng thành gánh nặng cho phụ huynh, cũng như cần thể hiện sự chân thành ở đó. Đừng làm mất ý nghĩa của Ngày Nhà giáo, bởi nghề giáo vốn là nghề cao quý, dù lương không cao nhưng không giàu vì những chiếc phong bì, quà tặng ấy”.

(TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội)

Theo GiaDinh