Việt Nam là quốc gia có chi phí sinh hoạt khiến người nước ngoài hài lòng nhất

Xét về chỉ số chi phí sinh hoạt và tài chính cá nhân, Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát

Cuộc khảo sát về người nước ngoài được thực hiện hàng năm bởi InterNations, một mạng lưới có 2,8 triệu người nước ngoài tham gia và có trụ sở tại Munich, Đức.

Cuộc khảo sát được thực hiện nhằm mục đích nắm bắt quan điểm của hàng triệu người đang làm các công việc khác nhau và sinh sống bên ngoài quốc gia nơi họ sinh ra và lớn lên.

Theo nghiên cứu thị trường của Finaccord, thế giới có khoảng 50 triệu người làm việc ở nước ngoài, và con số này sẽ đạt 60 triệu trong 5 năm tới.

Họ thường được hỏi về nơi họ lựa chọn để sinh sống, và ý kiến ​​của họ có ý nghĩa đối với các quốc gia muốn thu hút những người có tài và giàu có.

Việt Nam là quốc gia có chi phí sinh hoạt khiến người nước ngoài hài lòng nhất

Việt Nam là quốc gia có chi phí sinh hoạt khiến người nước ngoài hài lòng nhất. Ảnh minh họa

Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được liệt kê trong chỉ mục Tài chính Cá nhân trong cuộc điều tra người nước ngoài năm 2017. Số mẫu được sử dụng là tối thiểu 75 người được hỏi ở mỗi quốc gia, tuy nhiên, có gần 50 quốc gia có quy mô mẫu là hơn 100 người.

Theo bảng xếp hạng năm 2017, Việt Nam trở thành quốc gia đứng số một trong chỉ số Tài chính cá nhân, trong khi năm 2016 Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 5.

Gần ba trong số 10 người trả lời (28%) hoàn toàn hài lòng với tình hình tài chính của họ khi sống ở Việt Nam, cao hơn mức trung bình toàn cầu (17%) đến 11 điểm phần trăm.

Trong khi đó, chỉ có 7% người nước ngoài ở Việt Nam cho rằng thu nhập gia đình của họ không đủ để trang trải cuộc sống. 

Trên thực tế, 93% người được hỏi cho biết họ có đủ hoặc nhiều hơn mức cần thiết, nhiều hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 77%. Gần 1/5 (18%) thậm chí nghĩ rằng họ có nhiều tiền hơn hẳn so với nhu cầu sống của họ.

Hơn 9/10 người nước ngoài (91%) cũng hài lòng với chi phí sinh hoạt ở Việt Nam, với hơn 4/10 (43%) nói rằng chi phí rất phải chăng. Cuộc khảo sát năm 2017 của InterNations cũng cho thấy gần 3/4 người nước ngoài (73%) coi chi phí sinh hoạt thấp hơn là một lợi ích tiềm năng khi xem xét chuyển đến sinh sống ở Việt Nam.

Chỉ số tài chính cá nhân dựa trên hai câu hỏi đánh giá với thang điểm từ 1-7, quay xung quanh vấn đề người trả lời nhận thức về tình hình tài chính cá nhân của họ hay không và liệu thu nhập khả dụng của họ có đủ để trang trải các chi phí của họ tại quốc gia sở tại hay không. 

Khi công bố các chỉ số, InterNations đã tách ra chỉ mục Chi phí sinh hoạt nhằm đưa ra một hình ảnh tổng thể hơn về tình hình tài chính của người nước ngoài đang sinh sống tại quốc gia sở tại. 

Tuy nhiên, do sự tương đồng với Chỉ số tài chính cá nhân, chỉ số Chi phí sinh hoạt không nằm trong bảng xếp hạng tổng thể các quốc gia, điều này nhằm ngăn việc các khía cạnh tài chính của cuộc sống ở nước ngoài gây ảnh hưởng quá nhiều trong các kết quả khảo sát khác.

Đỗ Thu Thoan

Theo VietQ