Việt Nam sắp có gạo chuẩn quốc tế

Những loại gạo chuẩn quốc tế bán ra thị trường trong tương lai ngoài việc kiểm soát được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm… còn được đảm bảo quyền lợi cho cả người trồng lẫn người sử dụng.

Chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam chính thức được IFC – thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới, Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) cùng Tập đoàn Lộc Trời khởi động tại TP.HCM ngày 8/3.

Việt Nam sắp có gạo chuẩn quốc tế

Để sản xuất ra gạo chất lượng cao, người nông dân sẽ phải thay đổi thói quen canh tác.

Có khoảng 4.000 nông dân với 6.000 ha lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham gia tập huấn kỹ năng canh tác mới nhằm trồng lúa đạt chất lượng cao, năng suất và bền vững. Những nông dân tham gia dự án này sẽ phải canh tác theo quy trình 46 tiêu chí mà SRP đưa ra.

Những tiêu chí này liên quan đến các vấn đề bao gồm quản lý đồng ruộng, chuẩn bị cho canh tác, sử dụng nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch, sức khoẻ và an toàn, quyền lợi của người lao động. 

Bộ tiêu chí của SRP có các chỉ số đo lường cụ thể, nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường với tầm nhìn phát triển bền vững. Yếu tố kinh tế đảm bảo khía cạnh năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường sẽ chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính.

Yếu tố xã hội của bộ tiêu chí tập trung đảm bảo trong các vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động... Bộ tiêu chí này còn kiểm soát các yếu tố khác bao gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em. 

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho hay, dự án sẽ giúp xây dựng một thương hiệu gạo chất lượng cao và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế và có thể đưa Việt Nam vào nhóm các nước có sản phẩm lúa gạo tốt nhất thế giới.

Theo GĐVN