Vietjet Air sẽ là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bay thẳng tới Mỹ vào năm 2019

Khởi đầu gần như muộn nhất trong các hãng bay nội địa, chỉ sau 5 năm Vietjet đã trở thành người tiên phong trên thị trường trong khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc.

Hãng hàng không Vietjet đang lên kế hoạch mở rộng đội bay thông qua việc bổ sung thêm những dòng máy bay thân rộng nhằm mục đích phục vụ cho tham vọng mở đường bay thẳng đầu tiên tới California, Mỹ vào năm 2019. Đây cũng là mục tiêu của hãng HKQG Vietnam Airlines đặt ra từ lâu nhưng chưa chinh phục được.

Trả lời tờ Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết Vietjet sẽ sử dụng các dòng máy bay cỡ lớn để phục vụ chặng bay thẳng tới Mỹ sau khi được Cơ quan quản trị hàng không liên bang Mỹ cấp phép.

"Chúng tôi nhắm tới mở thêm nhiều đường bay quốc tế trong vòng vài năm tới, chiếm khoảng 60% tổng số chuyến bay của toàn hãng. Vietjet hiện đang nghiên cứu khả năng sử dụng những dòng máy bay thân rộng cho những chặng bay dài khi các điều kiện thị trường thuận lợi".

Trong tuần lễ APEC vừa qua, Vietjet đã ký kết một thoả thuận trị giá 600 triệu USD để mua động cơ Pratt&Whitney. Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Trump tại Hà Nội. Trước đó vào đầu năm nay, Vietjet cũng ký kết một thoả thuận trị giá 3,6 tỷ USD để mua 215 động cơ.

Vietjet Air sẽ là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bay thẳng tới Mỹ vào năm 2019
 

Trong năm qua, tần suất các chuyến bay quốc tế của Vietjet đã tăng hơn 150%, theo chuyên gia phân tích Brendan Sobie đến từ trung tâm hàng không CAPA.

"Thị trường nội địa đã đạt tốc độ tăng trưởng tuyệt vời trong 5 năm qua, gấp 3 lần về kích thước nhưng vẫn có giới hạn. Rất nhiều người nếu như trong 5 năm trước còn là những người lần đầu đi máy bay thì giờ rất có thể sẽ đi du lịch nước ngoài khi thu nhập của họ tốt hơn".

Vietjet cũng đã đặt hàng 230 chiếc Airbus SE và Boeing kể từ năm 2014. Năm ngoái, Vietjet và Vietnam Airlines mỗi đơn vị chiếm 42% thị phần hàng không nội địa. Dẫu vậy thị phần của Vietjet trong năm 2017 đang ít hơn do họ tập trung vào việc mở rộng các đường bay ra nước ngoài.

Năm ngoái, Vietjet cũng đã đặt hàng 100 máy bay Boeing 737 Max 200 với giá niêm yết lên tới 11,3 tỷ USD. Họ cũng đã đồng ý mua 30 chiếc A320neos trị giá 3,6 tỷ USD vào năm 2015, nâng tổng đơn hàng lên tới 100 chiếc Airbus vào năm ngoái. Vietjet dù mới chỉ cất cánh vào tháng 12/2011 nhưng họ kỳ vọng sẽ phục vụ 17 triệu hành khách trong năm nay, nhiều hơn con số tương tự 15 triệu người vào năm ngoái.

Hãng hàng không giá rẻ này cũng kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2017 sẽ tăng 10% so với mục tiêu ban đầu đặt ra.

Việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài của Vietjet tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á với hơn 400 chuyến bay ra nước ngoài mỗi tuần cho tới cuối năm nay, tăng so với con số 130 chỉ một năm trước đó. Việc mở đường bay tới Mỹ sẽ là một thử thách khó khăn hơn cho Vietjet khi họ phải cạnh tranh với một vài hãng lâu đời hơn.

"Cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Với những chuyến bay trên 12 giờ, mọi thứ sẽ trở nên đăt đỏ hơn. Chi phí là rất lớn. Triển vọng kiếm được lợi nhuận từ đường bay này rất ảm đạm".

Vietjet có thể sẽ khác biệt hoá dịch vụ của mình để bù đắp cho những thiếu sót đó như cung cấp dịch vụ tới các sân bay địa phương tại San Jose hay Orange County , California - nơi có một lượng lớn người Việt sinh sống.

"Chúng tôi nhắm tới những sân bay có nhu cầu cao nhưng chưa nhiều hãng hàng không hoạt động tới đây", bà Thảo nói.

Trong năm 2016, lượng hành khách mà Vietjet chuyên chở thậm chí lớn hơn cả Vietnam Airlines và khi chiếm 42% thị phần nội địa.

Với kích thước thị trường nội địa ở mức trung bình (trên 20 triệu hành khách), việc chiếm được vị trí dẫn đầu trong chỉ 5 năm là một thành tích cực kỳ đáng nể. Có thể so sánh với thị trường tương tự là Philippines khi mà hãng Cebu Pacific đã phải mất hơn 1 thập kỷ mới vượt qua được Philippines Airlines. Thậm chí, gã khổng lồ hàng không giá rẻ AirAsia cũng phải mất tới 6 năm mới chiếm được vị trí dẫn đầu thị trường nội địa ở Malaysia.

Vietjet đã xây dựng được 1 thương hiệu mạnh có nhận diện tốt ở Việt Nam nhờ công tác truyền thông tốt và mạng lưới phân phối qua các công ty lữ hành ở địa phương. Theo tính toán của CAPA, mức độ nhận diện của thương hiệu Vietjet Air tại Việt Nam lên tới 98%. Đây là yếu tố quan trọng vì ở hầu hết người Việt vẫn mua vé qua đại lý thay vì đặt trực tiếp trên Internet.

Trong khi đó, CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng vừa cho biết, Vietnam Airline  đang cân nhắc việc mở đường bay tới Los Angeles vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Theo TieuDung24h