Vietjet lãi lớn, Vietnam Airlines “đìu hiu” nửa đầu năm

Lãi sau thuế của Vietjet trong 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi cùng kỳ. Trong khi đó Vietnam Airlines chứng kiến sự sụt giảm mạnh xét về hiệu quả kinh doanh.

vietjet-lai-lon-vietnam-airlines-“diu-hiu”-nua-dau-nam

Lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm mạnh do không còn thu nhập khác

Theo báo cáo tài chính công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) ghi nhận doanh thu trong quý II đạt 19.456 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Song giá vốn bật mạnh lên 17.090 tỷ đồng cùng lợi nhuận khác suy giảm khiến Vietnam Airlines chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 77 tỷ đồng, bằng 1/6 cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm, lãi sau thuế của Vietnam Airlines đạt 823 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với nửa đầu năm 2016, cho dù doanh thu vẫn tăng 15,4% lên 40.409 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) theo đó giảm từ 1.502 đồng còn 624 đồng.

Theo Vietnam Airlines, mặc dù doanh tăng trưởng, tuy nhiên không đủ bù đắp chi phí nhiên nhiệu tăng lên chóng mặt. Giá nhiên liệu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 37%, tương đương 17 USD/ thùng so với cùng kỳ năm trước, đẩy chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng thêm 1.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu nhập khác giảm mạnh (670 tỷ đồng) do doanh nghiệp không còn ghi nhận thu thanh lý bán máy bay cũng như hỗ trợ tín dụng từ hợp đồng mua động cơ máy bay. Những yếu tố trên khiến lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm mạnh trong quý II.

Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines chững lại đáng kể, trái ngược với đối thủ lớn nhất của doanh nghiệp này – CTCP Hàng không Vietjet (Mã chứng khoán: VJC).

Nửa đầu năm, Vietjet báo lãi trước thuế hợp nhất 1.900 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu tăng 31% lên mức 16.390 tỷ đồng. Vietjet được kỳ vọng sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường nội địa, với 41,5% thị phần nội địa trong năm 2016, bám sát nút đối thủ Vietnam Airlines (42,5%).

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 6 của Vietnam Airlines, kế hoạch lợi nhuận cũng được điều chỉnh giảm mạnh cho dù doanh thu vẫn tăng trưởng.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự kiến vận chuyển 22,55 triệu lượt khách trong năm 2017, tăng 109% so với năm ngoái. Hàng hóa vận chuyển tăng 110% lên 297 nghìn tấn. Doanh thu dự kiến tăng 123% lên 87.900 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ tiêu lãi hợp nhất trước thuế lại giảm từ 2.600 tỷ đồng về còn 1.638 tỷ đồng.

Hiện nay, vốn nhà nước được đại diện bởi Bộ Giao thông Vận tải vẫn chiếm trên 86% ở Vietnam Airlines. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Hội đồng quản trị tổng công ty này cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước về mức trên 50% và dưới 65% theo Nghị định 58 được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời Vietnam Airlines cũng sẽ xem xét tái cơ cấu mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế là từ bỏ ban Kiểm soát và thay vào đó là các tiểu ban trực thuộc HĐQT.

Vốn điều lệ của Vietnam Airline hiện là 12.275 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm hơn 191 triệu cổ phần vào cuối năm nay để tăng vốn lên 14.187 tỷ đồng.

Trong khi đó Vietjet chỉ có vốn điều lệ 3.224 tỷ đồng và không có kế hoạch tăng vốn trong phần còn lại của năm. Vượt trội về nguồn nội lực vẫn sẽ là lợi thế giúp Vietnam Airlines duy trì khoảng cách lớn với  Vietjet trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo Minh Trang (Người đưa tin)