Vì sao người tiêu dùng thích mua hàng giả?

Hàng giả mang mác hàng thật, nhưng được bán với giá rẻ hơn để đánh vào lòng tham người tiêu dùng, và cũng có lúc được bán bằng hoặc cao hơn giá hàng thật để giả vờ chứng minh giá trị của nó.

Cứ ít ngày, tôi lại đọc được trên các phương tiện thông tin đại chúng những tin tức về hàng giả. Những tin tức ấy xuất hiện rất khiêm nhường, và cũng không được cộng đồng mạng chia sẻ hay bàn luận gì nhiều.

Cộng đồng mạng mải theo dõi tin tức hấp dẫn hơn liên quan đến hoa hậu, người mẫu, dù những tin tức ấy không liên quan đến mình nhiều như mối lo hàng giả. Thật ra con người thường thì bao giờ cũng thế, thường xuyên để ý đến những cái phù phiếm mà quên đi thiết thực với mình.

Vì sao người tiêu dùng thích mua hàng giả?

Điều gì khiến người ta thích dùng hàng giả?

Điều gì khiến người ta thích dùng hàng giả, mà bây giờ còn được gọi là hàng nhái hay thời thượng hơn là hàng fake? Là bởi nhu cầu thích được xài sang, thích được khoác lên người đồ hiệu, nhưng lại không có tiền, hay không dám hoặc không muốn chi tiền.

Người ta tặc lưỡi, ừ thì cứ dùng, có ai biết mấy đâu mà sợ. Người ta tặc lưỡi, ừ thì bỏ ra một món tiền chỉ bằng một phần đồ thật mà nhìn cũng giống lắm, cũng mang đến cho họ sự trầm trồ khen ngợi của người khác, và thế là đủ.

Ngay bản thân các hãng danh tiếng họ cũng không có nhu cầu kiện cáo các cơ sở làm nhái, phần vì rất nhiêu khê do khác quốc gia, luật pháp mỗi nơi một khác, phần quan trọng hơn là hàng nhái, xét ở góc độ nào đó, lại góp phần khẳng định giá trị của hàng thật, hàng chính hãng.

Người ta dùng hàng nhái, có nghĩa là người ta biết đến giá trị thương hiệu của hãng. Và đến một lúc nào đó, khi kinh tế và các điều kiện khác cho phép, người ta sẽ tiến đến dùng hàng thật.

Đó là  một trong những lý do chính khiến các hãng thờ ơ trước việc bị nhái sản phẩm. Thậm chí một số hãng cao tay còn tự sản xuất hàng nhái để nâng tầm sản phẩm của mình lên, nhưng đó là việc làm ăn, không phải là trọng tâm của bài viết này.

Gần như ai trong chúng ta cũng một lần dùng hàng nhái, vì nhiều lý do. Ngày trước, khi đầu DVD còn là của hiếm, tôi có mua một cái đầu máy được quảng cáo là “ăn cắp” công nghệ 5.1 của chính hãng Pionner Nhật, và giá thì chỉ bằng 1/3. Người bán hàng lý giải rằng, vì không mất tiền đầu tư công nghệ nên giá rẻ hơn, chứ chất lượng thì tương đương.

Dùng thời gian đầu thì tôi tin vào lời người bán hàng, nhưng thời gian sau thì thấy rõ ràng chất lượng và hình ảnh thì không bằng, và tôi đi mua đầu DVD chính hãng khác.

Tất nhiên, đó là do tôi kỹ tính, chứ người khác vẫn thấy ổn. Chỉ có điều, ví dụ này một lần nữa cho tôi thấy rằng nếu hàng nhái làm cẩn thận thì ít nhất sẽ xấp xỉ hàng chính hãng hoặc thậm chí đắt hơn. Bằng chứng là những năm rộ lên đĩa LD là đĩa hình lớn, những người làm hàng giả sản xuất được 2 chương trình rồi phải dừng lại bởi giá bán ra xấp xỉ đĩa chính hãng.

Cũng có lần, vì nể bạn bè, tôi mua một đôi giầy nhái của một hãng danh tiếng. Da rất mịn, thuộc kỹ, đế kếp mềm mại. Nhiều người không phát hiện ra là tôi đi giầy nhái, tất nhiên, cái mừng này của tôi rất AQ bởi đó đều là những người chưa dùng hàng chính hãng bao giờ như mình.

Đi vài bước thì không sao, nhưng đi bộ độ nửa cây số là mỏi chân không thể tả. Lý do đơn giản là những người làm nhái không tính toán được trọng tâm của giầy, thành thử đi không mỏi chân mới là chuyện lạ.

Có điều, những cái phiền toái này ít người để ý đến, là bởi tâm trạng sung sướng khi được dùng hàng nhái kỹ (hay còn gọi là fake 1 hay siêu fake) đã chi phối hoàn toàn con người. Việc tính toán trọng tâm của giày là một việc cần có chuyên gia, nó không giống việc làm hàng nhái chút nào. Chính vì thế, những người làm hàng nhái không thể nào tiến đến việc làm giống thật hoàn toàn.

Nhưng dù sao, hàng nhái vẫn còn chưa đáng sợ như hàng giả. Bởi nó được người bán đề rõ ràng là nhái. Hàng giả mới đáng lo ngại. Hàng giả ngày hôm nay mang mác hàng thật, nhưng được bán với giá rẻ hơn để đánh vào lòng tham người tiêu dùng, và cũng có lúc được bán bằng hoặc cao hơn giá hàng thật để giả vờ chứng minh giá trị của nó.

Vì sao người tiêu dùng thích mua hàng giả?

Hàng giả ngày hôm nay có mặt khắp nơi, từ vỉa hè cho đến cửa hàng (Ảnh minh họa)

Hàng giả ngày hôm nay có mặt khắp nơi, từ vỉa hè cho đến cửa hàng. Ở vỉa hè là thỉnh thoảng có ai đó giả như bán thanh lý hàng nhà máy như bếp ga, khoan, kính bút với giá rẻ để nhử người tham. Ở cửa hàng là những sản phẩm được bày dưới ánh đèn lung lung trong những ô kính lấp lánh màu sắc.

Hoặc nằm ở những cửa hàng online dưới danh nghĩa hàng xách tay, mà rõ ràng xách thật nhưng vẫn là hàng giả bởi nó được làm giả ở nước ngoài. Bởi không chỉ ở châu Á mới có những đại công xưởng làm giả, mà ở châu Âu cũng rất nhiều, điển hình là ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu hàng giả có xuất xứ Trung Quốc vẫn thô vụng bởi thực chất thợ của họ không khéo tay, thì hàng giả xuất xứ Ý hay Thổ Nhĩ Kỳ lại cực kỳ tinh xảo.

Hàng giả và hàng nhái hiện diện khắp thế giới. Người ta dùng mọi cách để biến giả thành thật. Ít ai có thể tự hào rằng mình phân biệt được hàng nhái và hàng xịn, bởi cách duy nhất để phân biệt là đã phải dùng qua hàng xịn. Chỉ có điều, với những mặt hàng liên quan đến sức khoẻ thì nên cẩn thận.

Bởi làm gì có chuyện chai rượu vang Bordeaux rẻ nhất bên chính quốc đã là 30 euro mà bán ơ siêu thị có 250 ngàn, chẳng lẽ người ta mua về bán rẻ để làm từ thiện?

Chúng ta không tránh được hết nguy cơ hàng giả, nhưng nếu chúng ta không tham rẻ, chúng ta sẽ tránh được phần lớn những cạm bẫy mà hàng giả giăng ra cho chúng ta. Và tất nhiên, ngày hôm nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tra cứu thông tin xuất xứ hàng hoá không còn là việc quá khó với mỗi người.

Bởi hàng giả và hàng nhái không những làm ảnh hưởng đến người sản xuất và nền kinh tế, mà còn trực tiếp là mối hiểm hoạ cho sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người.

Theo GiaDinhVietNam