Voucher nghỉ dưỡng: Nếu tỉnh táo, người mua vẫn hưởng được 'hàng xịn' giá bèo



Nếu tỉnh táo và kiểm tra kỹ càng thông tin trước, người tiêu dùng có thể tránh những rắc rối không đáng có khi sử dụng dịch vụ từ các voucher nghỉ dưỡng giá rẻ.

Mua voucher "rước bực vào người"

Một số người phàn nàn rước bực bội vào người khi sử dụng các voucher nghỉ dưỡng được rao rẻ hơn từ 50 đến 70% so với mức giá niêm yết của resort, khách sạn.

Một trong những vấn đề thường xuyên bị phàn nàn nhất là dịch vụ không như mong đợi, giá cả trên thực tế không rẻ như voucher quảng cáo…

Voucher nghỉ dưỡng: Nếu tỉnh táo, người mua vẫn hưởng được ‘hàng xịn’ giá bèo

 Người tiêu dùng dễ dàng tìm được các dịch vụ rao bán voucher trên mạng

Chia sẻ với PV, chị Lan Anh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết: “Tôi từng mua một Voucher sử dụng dịch vụ tại một khách sạn ở Hà Nội với giá rao được cho là rẻ hơn 50% giá niêm yết. Tuy vậy, khi đến nơi, tôi phát hiện ra là giá hầu như không khác nhau là mấy.

Không những vậy, các thông tin được quảng cáo trên voucher khác xa so với thực tế. Đơn cử như không có nước uống, hoa quả như quảng cáo, phòng thì bé, tiện nghi nghèo nàn… Lúc ấy tôi rất muốn hủy phòng nhưng đã lỡ mất tiền rồi nên đành miễn cưỡng sử dụng”.

Cũng bức xúc không kém là trường hợp của chị Hoàng Anh (nhân viên văn phòng, Hà Nội). Chị Hoàng Anh cho biết, mới đây, một đơn vị quảng cáo kỳ nghỉ trọn gói ở Đà Nẵng bao gồm cả vé máy báy, phòng khách sạn 4 sao, kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm chỉ có 4,99 triệu đồng.

Chị hào hứng vào xem đặt vé bởi anh nghĩ, riêng vé máy bay từ Hà Nội vào Phú Quốc thời điểm hè đã lên tới hơn 2 triệu đồng. Tính ra cả phòng khách sạn 5 sao 3 ngày 2 đêm mà chỉ có 4,99 triệu là quá rẻ.

Sau đó, chị mua 4 voucher cho cả gia đình, tổng cộng gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vừa chuyển tiền online xong thì chị cũng giật mình khi phát hiện ra, nếu tính ra, gia đình chị đã bị đắt.

Thời điểm chị check vé, giá vé máy bay rẻ nhất chị nhận được là 2,1 triệu đồng/khứ hồi. Tính ra 4 người là hơn 8 triệu đồng.

Trong khi đó, giá phòng khách sạn 4 sao nêu trên, trên thực tế đang có chương trình giảm giá chỉ 1,5 triệu đồng/đêm/2 người. Tính ra 2 đêm gia đình 4 người nhà chị ( 2 phòng) chỉ mất có 6 triệu đồng.

Chị Hoàng Anh than thở: “Tiếc đứt ruột. Như thế là mất toi gần 6 triệu đồng, tiền đó để cả gia đình đi ăn uống, vui chơi tha hồ”.

Vẫn có thẻ hưởng voucher giá rẻ nếu... tỉnh táo

Nhìn lại thì lỗi 2 khách hàng nêu trên, về cơ bản là không kiểm tra, nắm rõ thông tin trước khi đặt mua voucher.

Chia sẻ với PV, anh Hoài Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã mua voucher một resort có tiếng ở Nha trang và thấy cực kỳ hài lòng. Đúng là giá rẻ hơn hẳn, vì tôi đã rất cẩn thận check giá cty du lịch, giá trực tiếp khách sạn .

Chỉ có điều, không phải khách sạn nào cũng vậy, có cái đặt của đại lý rẻ hơn nhiều. Thêm nữa, trước khi mua, bạn phải check phòng với khách sạn trước, chứ mua xong mà không đi được ngày như mong muốn thì bực lắm”.

Voucher nghỉ dưỡng: Nếu tỉnh táo, người mua vẫn hưởng được ‘hàng xịn’ giá bèo

 Nếu tỉnh táo, kiểm tra kỹ càng thông tin, gia đình bạn sẽ có một kỳ nghỉ hoàn hảo. Ảnh minh họa

"Tôi đã sử dụng voucher nghỉ dưỡng rất nhiều lần rồi, thì đa phần đều khá hài lòng, chất lượng dịch vụ và phục vụ đầy đủ, không có gì phàn nàn cả. Có lần cả gia đình tôi đi đúng lễ Noel cũng không khó check in hay đặt book  gì.

Theo kinh nghiệm của tôi thì trước khi mua voucher, nên kiểm tra kỹ chất lượng, view phòng khách sạn đó.  Nếu khách sạn bình thường thì tôi nghĩ voucher hay không voucher thì cũng tệ như vậy.

Còn những khách sạn có uy tín thì tôi chưa gặp trường hợp vì cái voucher giảm giá mà đánh đổi uy tín của khách sạn cả”, chị Hải Anh (nhân viên ngân hàng) chia sẻ.

Trao đổi với PV, chị Thu Hằng - nhân viên một hãng du lịch (đơn vị sở hữu khá nhiều khách sạn trên toàn quốc) – cho hay: “Trên thực tế, công ty chúng tôi có phân phát số lượng lớn voucher cho nhân viên, và tới các đại lý.

Các nhân viên không dùng đến thì họ rao bán giá rẻ, điều này là có thật. Nhưng trong một số trường hợp, công ty bị mất cắp, thì cái voucher đó sẽ được thông báo hủy.

Khách mua phải voucher mất đó sẽ không dùng được. Trong trường hợp này, thì khách hàng nên mua trực tiếp tại đại lý là tốt nhất, hoặc kiểm tra kỹ thông tin từ phía khách sạn trước khi đặt mua”.

“Thường thì giá hợp đồng giữa lữ hành và khách sạn cũng rẻ hơn niêm yết nhiều nên các khách hàng vẫn book được rẻ hơn mấy chục % so với trực tiếp. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, tốt nhất khách hàng nên nghiên cứu kỹ.

Vì voucher mua không được hoàn lại.Trước khi mua voucher du lịch phải gọi check tình trạng phòng trống trước, nếu có thì mới mua. Cách an toàn hơn là đặt trực tiếp tại các công ty lữ hành du lịch, vừa đảm bảo, vừa yên tâm về chất lượng.”, chị Hằng cho biết.

Còn trong trường hợp của chị Hoàng Anh, nếu chị tìm hiểu kỹ càng hơn một chút, chị sẽ kịp thời phát hiện ra số tiền 4,99 bao gồm cả vé máy bay, cả khách sạn thì có vẻ như là rẻ, nhưng nó chỉ dành cho 1 người.

Gộp lại thành 4 người có thể đặt phòng chung rẻ hơn, thì giá đó khá cao. Ngoài số tiền trên, gia đình chị còn phải tốn thêm tiền ăn, tiền đi lại, vui chơi, tính ra giá khá cao. Kinh nghiệm trong trường hợp này là bạn cần nắm chắc kỹ lưỡng tất cả các thông tin liên quan”, chị Hằng phân tích thêm.

Khẳng định thêm với PV, chị Vân Anh (nhân viên một đại lý du lịch) cho biết: “Mua voucher nghỉ dưỡng, du lịch người tiêu dùng vẫn là hên xui.

Nếu may mắn thì khách hàng sẽ không dính phải các chiêu lừa đảo; nhưng nếu bạn may mắn mua được của địa chỉ có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt thì giá sẽ rẻ hơn. Quan trọng là bạn phải chủ động nắm rõ, phân tích kỹ các điều kiện thông tin trên voucher”.

Theo vietq