Vụ Rồng đỏ và trà xanh C2 nhiễm chì: URC chưa bồi thường cho người tiêu dùng

Ngày 19/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin đến phóng viên GĐ&XH đến thời điểm hiện tại URC chưa bồi thường cho người tiêu dùng Việt sau vụ nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì.

Việc đàm phán bồi thường đang tạm dừng

Sáng ngày 19/6, trao đổi với phóng viên GĐ&XH, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xác nhận thông tin trên.

Theo ông Hùng thì quy định hiện nay là rất khó. Người tiêu dùng khi đi mua một hai chai nước để uống thì ai lấy hóa đơn bán lẻ. Đây cũng là một thói quen bất lợi cho người tiêu dùng Việt.

Vụ Rồng đỏ và trà xanh C2 nhiễm chì: URC chưa bồi thường cho người tiêu dùng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. (ảnh: NV)

Không có hóa đơn thì làm sao có thể chứng minh đã mua nước C2, Rồng đỏ để uống. “Nếu đòi hỏi phải có hóa đơn thì thực ra là đánh đố nhau rồi”- ông Hùng nói.

Theo ông Hùng xác nhận thì đến thời điểm hiện nay đang tạm dừng làm việc với Cty TNHH nước giải khát URC Việt Nam về câu chuyện bồi thường cho người tiêu dùng Việt sau vụ nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của nhà sản xuất này được cơ quan hữu trách Việt Nam xác định nhiễm độc chì nhưng vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Vụ Rồng đỏ và trà xanh C2 nhiễm chì: URC chưa bồi thường cho người tiêu dùng

Sản phẩm trà xanh C2 và tăng lực Rồng đỏ của URC Việt Nam. (ảnh: NV)

Vì vậy, hiện chủ nhãn hàng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì chưa bồi thường số tiền hàng tỉ đồng như dự kiến trước đó.

Theo đó thì liên quan đến vụ hàng nghìn sản phẩm C2, Rồng đỏ của URC Việt Nam nhiễm độc chì được bày bán ngoài thị trường năm 2016 khiến cộng đồng người tiêu dùng Việt rúng động, lo lắng trước nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng bởi dùng phải sản phẩm đồ uống nhiễm độc chì.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tháng 9/2016 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã làm việc với đại diện URC Việt Nam về việc xem xét bồi thường, hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Tại các buổi làm việc, Hội nêu quan điểm của Hội và có dẫn ra các văn bản pháp lý có liên quan như Luật bảo vệ Người tiêu dùng, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm với những điều khoản cụ thể, nghĩa vụ và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xác định đây là vụ việc hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người tiêu dùng nên rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Vì thế Hội này cũng đã mời các bên liên quan như: Đại diện của Cục kinh doanh Bộ Công thương, đại diện vụ Pháp chế của Bộ Tài chính, Văn phòng tư vấn khiếu nại của Trung ương Hội và Báo Người tiêu dùng... cùng làm việc.

Con số bồi thường sau đó được đưa ra để bàn thảo là khoảng 3,9 tỉ đồng dựa trên số lượng sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường. Tuy nhiên đến thời điểm này con số bồi thường trên vẫn chỉ nằm trên… giấy.

Vụ việc rúng động có rơi vào im lặng?

Việc các sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực hiệu Rồng đỏ của URC Việt Nam bị xác định nhiễm độc chì nhưng vẫn lưu hành ngoài thị trường, không ít các sản phẩm nhiễm độc đã đến tay người tiêu dùng Việt thực sự là sự việc rúng động về ATVSTP trong năm 2016.

Vụ việc này cũng được nhắc lại trong báo cáo về công tác ATVSTP mới đây với các đại biểu Quốc hội.

Trước đó, các sản phẩm nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Cty URC Việt Nam bị Bộ Y tế phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, nhiễm độc chì, nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm đã được đưa ra thị trường tiêu thụ bị buộc phải thu hồi, tiêu hủy.

Vụ Rồng đỏ và trà xanh C2 nhiễm chì: URC chưa bồi thường cho người tiêu dùng

Biểu hiện khủng khiếp của người bị nhiễm độc chì. (ảnh: Internet)

Kết quả sau đó cho thấy đã có khoảng 40.000 thùng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã bán hết. Chỉ có gần 1.200 thùng nước giải khát C2, tăng lực Rồng Đỏ nằm trong 2 lô sản phẩm nhiễm chì được nhà sản xuất tự thu hồi.

Số sản phẩm nhiễm độc chì ít ỏi được thu hồi chủ yếu là lô C2 được sản xuất vào tháng 2/2016, còn lô Rồng Đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. URC cho biết tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán ra là gần 3,9 tỷ đồng và số này không thể thu hồi được. Chiều 31/5/2016, cơ quan chức năng đã giám sát việc tiêu hủy khoảng 10 tấn C2, Rồng Đỏ không đạt chất lượng.

2 lô sản phẩm bị thu hồi gồm trà xanh hương chanh C2 ngày sản xuất 4/2/2016 và hạn sử dụng 4/2/2017, (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,085 mg/L); nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016 (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,068 mg/L).

Có thể nói việc hàng triệu sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì được đưa ra thị trường trước khi bị phanh phui phát hiện là một sự cố về an toàn thực phẩm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tham gia hội nhập đến nay.

Theo các chuyên gia về y tế, hóa học thì chì là kim loại nặng, nếu sử dụng với hàm lượng nhiều có thể gây ra nhiễm độc mãn tính hoặc cấp tính tùy vào mức độ dung nạp dung lượng chì của mỗi người. Nếu hàm lượng chì ở mức 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc do chì được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi.

Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh theo thời gian.

Các chuyên gia về pháp luật khi được hỏi có quan điểm cần phải làm rõ, đến cùng trách nhiệm của URC đối với việc bán sản phẩm nhiễm độc chì cho người tiêu dùng, không để sự việc bị… chìm xuồng.

Theo luật sư Ngụy Thành Thắng, Đoàn luật sư Hà nội thì: Tại điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa của nhà sản xuất có khuyết tật gây ra.

Điều này quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người tiêu dùng kể cả khi tổ chức cá nhân đó không biết, không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.

Theo giadinh