Vua cá Hùng Vương đang lún sâu vào 'vết xe đổ' của Hoàng Anh Gia Lai?

Đều mang tham vọng xây dựng một đế chế hùng mạnh, hai ông lớn này cùng đi đến khủng hoảng tương tự nhau: Nợ chục nghìn tỷ và mất thanh khoản.

5 năm trước, đây vẫn là hai doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên với chiến lược đa ngành, hiện nay cả hai đều bật khỏi tốp đầu, lận đận với những khoản nợ khổng lồ và dòng tiền nhỏ giọt.

Tài sản cơ bản của hai doanh nghiệp này cũng lần lượt phải bán đi.

Trồng cao su trông doanh thu từ bò, nuôi cá nhờ lãi ở... bã đậu nành

Đều nổi lên trong lĩnh vực 'lõi' của mình với những quyết định đầu tư táo báo, cả hai đều hướng tới đa ngành với quy mô tài sản hàng chục nghìn tỷ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định chiến lược đầu tư vượt khỏi ngành cốt lõi của hai ông lớn này đã bị đánh gục với biến động thị trường giá cả và suy thoái kinh tế.

Tình hình nợ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã được mổ xẻ từ 2 năm trước thì đến nay, mô típ cũ được lặp lại gần như nguyên bản với Hùng Vương (HVG): Nợ vay đang vượt qua vốn chủ sở hữu một khoảng xa.

Ở thời hoàng kim của mình, cả HAGL và HVG đều thể hiện tham vọng lớn trong những khoản đầu tư.

Nếu HAGL rời bỏ các ngành cốt lõi mang về dòng tiền lớn như bất động sản, gỗ, thủy điện để theo đuổi giấc mơ cao su, HVG lại mang tham vọng “hợp nhất giang sơn” trong ngành thủy sản với những dự án M&A.

Vua cá Hùng Vương đang lún sâu vào 'vết xe đổ' của Hoàng Anh Gia Lai?

Tham vọng thống nhất ngành thủy sản của HVG đã phải trả giá với khoản nợ lớn. Ảnh minh họa: Ngọc Trinh.

Để cụ thể hóa tham vọng thống nhất ngành thủy sản, HVG đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Nếu cộng dồn doanh thu thì rõ ràng là lớn, nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và sụt giảm liên tiếp.

Theo báo cáo tình hình kinh doanh ở quý II/2015 (thời điểm bước vào giai đoạn sản xuất chính của các doanh nghiệp trong ngành), hoạt động tài chính với doanh thu suy giảm, cộng thêm chi phí tăng vọt đã khiến lợi nhuận của Hùng Vương giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế ở thời điểm đó của Hùng Vương chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm đến 71,6% so với cùng kỳ 2014.

Đà giảm kéo dài sang những năm tiếp theo. Đáng chú ý là  lợi nhuận quý II/2016 chỉ còn 12,3 tỷ đồng – giảm 75% so với quý II/2015. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, chi phí tài chính phình to gấp 3 lần, lên mức 172 tỷ đồng trong vòng 3 tháng. Đây là những con số tài chính tiêu cực đánh dấu chu kỳ đi xuống của đế chế này.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được các chuyên gia tài chính chỉ ra là hoạt động tăng cường M&A khiến chi phí gia tăng. Trong khi đó, nhiều công ty được mua về lại chứng minh hoạt động kém hiệu quả.

Chủ tịch Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà máy mới, mà vốn huy động chủ yếu từ vay ngân hàng, đã khiến chi phí lãi vay tăng mạnh. Đây là nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Bước sang năm 2017, tình hình cũng không sáng sủa khi doanh thu đưa về bao nhiêu cũng không bù đắp được chi phí tài chính.

Việc xoay vần với các khoản nợ dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ còn chưa tới 2 tỷ đồng. Một con số không thể khiêm tốn hơn so với kế hoạch 1.200 tỷ lợi nhuận đặt ra trước đó.

Những bi kịch mà HVG gặp phải cho thấy việc đầu tư đa ngành hay thâu tóm của hai ông lớn này đã khiến cho họ mất kiểm soát, nợ tăng lên mà dòng tiền thu về không là bao.

Thậm chí, có thời điểm cả HVG và HAGL phải trông cậy hoàn toàn vào một mảng kinh doanh “lướt sóng” nhỏ lẻ.

Nếu HAGL trồng cao su trông cậy vào dòng tiền từ bò, thì HVG nuôi cá cậy nhờ doanh thu từ… bã đậu nành.

Bi kịch dòng tiền

Chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất không cao đã khiến mức thanh khoản của HVG bế tắc, điều này cũng tương tự HAGL.

Vấn đề của HVG hiện nay là nhu cầu vốn tiếp tục gia tăng, tuy nhiên các chỉ số khả năng tài chính ngày càng yếu, gây khó khăn đến việc huy động vốn ngân hàng.

Vua cá Hùng Vương đang lún sâu vào 'vết xe đổ' của Hoàng Anh Gia Lai?

Lợi nhuận ngày càng sụt giảm, các chỉ số về khả năng thanh toán của HVG đang ngày càng xấu đi. Tỷ lệ thanh toán hiện chỉ còn 1,13 lần, thanh toán nhanh cũng giảm chỉ còn 0,65 lần.

Dòng tiền của HVG đang cho thấy sự sụt giảm và có xuy huống yếu dần, khi tiền và tương đương tiền đã giảm mạnh từ 1.343 tỷ đồng xuống còn 807 tỷ đồng.

Bi kịch của HVG bắt đầu từ năm 2015, khi tỷ số nợ đã trên 4,5 lần so với vốn chủ sở hữu, chiếm đến 75% so với tổng tài sản. Trong khi đó, tỷ số nợ ghi nhận của HAGL là trên 3 lần so với vốn chủ sở hữu.

Tổng vay nợ của HVG là hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn (7.650 tỷ đồng). Các khoản vay được thế chấp bởi một số hàng tồn kho. Con số vay nợ cao đã đẩy chi phí tài chính tiếp tục tăng từ 440 tỷ đồng lên 577 tỷ đồng.

Những biến cố tài chính khiến cho cổ phiếu của HVG rơi vào diện cảnh báo và chung số phận với HAGL và gỗ Trường Thành…

Nếu như HAGL có cửa sáng hơn khi các trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư được gia hạn để giảm áp lực vay ngắn hạn xuống, thì HVG lại có cơ cấu cổ đông không thiếu vắng bóng dáng nhà đầu tư ngoại, để có thể sử dụng đa dạng các phương thức tài chính.

Tài sản lần lượt bị bán

Điểm chung của cả HVG và HAGL chính là giá trị tài sản lớn, một yếu tố hỗ trợ không nhỏ trong việc thanh toán nợ nần.

Trong mỗi kỳ báo cáo tài chính của hai doanh nghiệp này lại kèm theo một vài tài sản bán đi để trang trải nợ. HAGL bán gần hết thủy điện, bò, mía đường, dự án tại Myanmar, thì HVG cũng bắt đầu gom những bất động sản có giá trị bán đi.

Vua cá Hùng Vương đang lún sâu vào 'vết xe đổ' của Hoàng Anh Gia Lai?

Tài sản tăng lên nhưng nợ phải trả cũng tăng lên vượt xa vốn chủ sở hữu

Bầu Đức từng chia sẻ: “Vấn đề của chúng tôi không phải là tiền mà chỉ là thanh khoản, doanh nghiệp đang có tổng tài sản rất lớn, hơn 65.000 tỷ. Vấn đề trước mắt là tìm cách tạo thanh khoản chứ không thể để doanh nghiệp chết trên đống tài sản”.

HVG mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc, nơi Hùng Vương nắm giữ 76% vốn.

Cùng với việc giải thể công ty bất động sản, tập đoàn này cũng rao bán một số bất động sản hiện có thuộc An Lạc, với tổng diện tích sử dụng đất hơn 20.000 m2.

Trong báo cáo giải trình, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương, cho biết sẽ quay trở lại với ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Thay vì phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích, rót tiền vào địa ốc, chứng khoán, tới đây Hùng Vương sẽ chú trọng vào nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp sửa chữa nhà máy, thiết bị, tránh sai lầm như nhiều công ty khác mà ông từng phê phán.

Đây được xem là bước thay đổi chiến thuật của ông Minh.

Hùng Vương cũng vừa thoái toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống các công ty con và công ty liên kết của Hùng Vương, dù giữa năm 2017, Hùng Vương đã từ chối lời đề nghị trị giá 460 tỷ đồng từ đối tác Nhật Bản trong thương vụ mua lại Sao Ta.

Theo ông Dương Ngọc Minh, công ty phải bán bớt tài sản để thu về nguồn tiền, do hiện nay Hùng Vương chỉ nhận được nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng, không đáp ứng được quy mô hoạt động.

Có thể thấy từ quá trình khủng hoảng đến việc xử lý khủng hoảng của HVG đều có nét tương tự HAGL. Đây có thể là mẫu số chung của việc đầu tư dàn trải, mà HAGL là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất tình hình hiện tại của HVG.

Theo zing

----------------

Xem thêm:

Sau bầu Đức, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh bán tài sản để trả nợ

Đại gia Dương Ngọc Minh, ông chủ của thủy sản Hùng Vương, đã phải bán toàn bộ cổ phần tại CTCP Thực phẩm Sao Ta để giải tỏa các khoản nợ đang bủa vây doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) đã bất ngờ đưa ra thông báo về việc thoái toàn bộ vốn đang sở hữu tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Hùng Vương đang nắm giữ tổng cộng 54,28% vốn góp tại Thực phẩm Sao Ta, tương đương khối lượng cổ phiếu lên tới 21 triệu đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta đang được giao dịch với giá 22.450 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn theo giá thị trường, số tiền mà Hùng Vương thu về sẽ không dưới 470 tỷ đồng.

Trước đó, chính đại gia Dương Ngọc Minh và HĐQT Hùng Vương từng từ chối lời đề nghị trị giá 460 tỷ đồng từ đối tác Nhật Bản trong thương vụ mua lại Sao Ta.

Sau bầu Đức, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh bán tài sản để trả nợ

“Lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương, chia sẻ với cổ đông trong ĐHĐCĐ thường niên tổ chức gần đây.

Bầu Đức đã làm gì để cứu nợ Hoàng Anh Gia Lai? Phần lớn tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đang được cầm cố tại ngân hàng, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng đã bán nhiều hàng hóa, cổ phiếu để có nguồn tiền duy trì hoạt động và đầu tư.

Thực phẩm Sao Ta chính là công ty có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống các công ty con và liên kết của Hùng Vương.

Công ty mới đây đã thông báo về việc kết quả lợi nhuận năm 2017 đạt mức cao kỷ lục, tăng 60% so với cùng kỳ trước đó nhờ nuôi tôm đúng thời điểm tăng giá.

Sao Ta cũng tạm ứng cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận 1.500 đồng). Trước đó, công ty đã chia cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 30%.

Việc Hùng Vương thoái vốn tại Sao Ta diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của đại gia thủy sản này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hùng Vương là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sử dụng niên độ kế toán mới. Từ năm 2015, thời điểm kết thúc năm tài chính trong báo cáo tài chính của Hùng Vương là hết tháng 9 hàng năm.

Sau bầu Đức, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh bán tài sản để trả nợ

Kết quả kinh doanh của Hùng Vương cũng bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2015, sau khoảng thời gian đại gia Dương Ngọc Minh vung tiền thâu tóm với tham vọng trở thành "đế chế thủy sản" với doanh thu 20.000 tỷ đồng tại Việt Nam. Cùng năm, lợi nhuận của Hùng Vương giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ.

Năm 2016, kết quả còn xấu hơn với Hùng Vương khi các cổ đông công ty phải gánh khoản lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính mới nhất, kết thúc năm tài chính 2017, Hùng Vương báo lỗ tới 132 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần số lỗ 49 tỷ đồng trong năm tài chính 2016.

Tính đến hết tháng 6, Hùng Vương đang có khoản nợ tài chính ngắn hạn lên tới 7.200 tỷ đồng và hơn 944 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn. Tổng nợ phải trả của công ty cũng đã vượt mức 4 lần so với vốn chủ sở hữu.

Trước đó, cũng chính khó khăn từ hoạt động kinh doanh và áp lực trả nợ mà Hùng Vương đã phải giải thể Công ty Địa ốc An Lạc để thanh ý 4 khu đất “vàng” tại các vị trí đắc địa tại TP.HCM nhằm thu hồi vốn.

Sau bầu Đức, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh bán tài sản để trả nợ

Hùng Vương được xem là "đế chế riêng" của đại gia Dương Ngọc Minh khi ông vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là Tổng giám đốc công ty. Vị đại gia này cũng là cổ đông lớn nhất, nắm giữ tới 39,13% vốn cổ phần.

Kết quả kinh doanh gặp khó khăn, tháng 8, cổ phiếu HVG của Hùng Vương bị đưa vào diện cảnh báo đặc biệt do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2017 âm. Không dừng lại ở đó, thị giá cổ phiếu HVG đã giảm hơn 40% giá trị kể từ đầu năm, hiện chỉ được giao dịch với giá hơn 5.000 đồng/cổ phần.

Trước đại gia Dương Ngọc Minh, ông Đoàn Nguyên Đức cũng đã phải thanh lý rất nhiều tài sản cá nhân và doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ vay đang "bủa vây" Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy đã giải tỏa được áp lực nợ vay ngắn hạn và cơ cấu lại kết quả kinh doanh nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khoản tiền lãi khổng lồ hàng năm từ hơn 20.000 tỷ đồng vay dài hạn.

Theo zing