Vừa lên sàn, Vietjet đã nằm trong 'top' doanh nghiệp tỷ đô

Ngay sau khi lên sàn, VJC không chỉ giúp bà Thảo một bước trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt, mà còn giúp Vietjet Air ngay lập tức nằm trong ‘top’ nhóm doanh nghiệp tỷ USD.

Theo thông tin trên báo Zing.vn, sáng hôm qua ( 28/2), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu mã VJC trên sàn HOSE.

Với mức giá khởi điểm đã lên tới 90.000 đồng/cổ phiếu, ngay khi chào sàn vốn hóa của Vietjet Air đã đạt 27.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,2 tỷ USD (bằng khoảng 1,5% vốn hoá của sàn HOSE).

Trước đó, nhiều chuyên gia và các nhà nhận định quốc tế cũng đã định giá hãng hàng không giá rẻ này vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của cổ phiếu hãng hàng không chiếm 41% thị phần bay trong nước tại Việt Nam còn nóng hơn thế.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/2, có tổng cộng 12.030 cổ phiếu khớp lệnh giao dịch. Với mức giá chốt phiên đầu tiên đạt 108.000 đồng/cổ phiếu, tăng 20% so với giá tham chiếu, vốn hóa của Vietjet Air đã đạt 32.400 tỷ đồng, tương đương 1,43 tỷ USD trong ngày đầu tiên giao dịch.

Với giá trị vốn hóa đạt 1,43 tỷ USD, Vietjet Air đã lọt top 15 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch HOSE.

Vừa lên sàn, Vietjet đã nằm trong ‘top’ doanh nghiệp tỷ đô

Hãng hàng không "bikini" chính thức gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ đô sau khi lên sàn. Ảnh: VJ (Zing.vn) 

Nếu so với cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thị giá cổ phiếu VJC của Vietjet Air cao gấp 3 lần.

Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu lưu hành chỉ bằng 1/4, dẫn tới vốn hóa của Vietnam Airlines vẫn lớn hơn Vietjet khoảng 42%. Hiện nay, vốn hóa của Vietnam Airlines vào khoảng 46.155 tỷ đồng, xấp xỉ 2,04 tỷ USD.

Không chỉ giúp Vietjet Air gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ đô ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Cổ phiếu VJC còn giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo thông tin trên Baotintuc.vn, Vietjet là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S).

Các tổ chức tư vấn nước ngoài là JP Morgan, BNP Paribas, Deutsche Bank. 24 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital…

Vừa lên sàn, Vietjet đã nằm trong ‘top’ doanh nghiệp tỷ đô

 Lãnh đạo Vietjet nhận quyết định lên sàn HOSE - Ảnh baotintuc.vn

Theo thống kê, năm 2016, thị trường vận tải hàng không tăng trưởng 29% và tỷ lệ hành khách sử dụng đường hàng không tăng từ 0,5% năm 2012 lên 0,8% năm 2016.

Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam và nằm trong số ít các hãng trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ 2 hoạt động. Kết thúc năm 2016, Vietjet đạt doanh thu 27.532 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 2.394 tỷ đồng.

“Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, Vietjet hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng và hiệu quả quản trị công ty niêm yết theo những chuẩn mực tốt nhất tại Việt Nam và trên thế giới.

Bên cạnh việc mang lại những giá trị mới mẻ cho hành khách, chúng tôi mong muốn mang lại những giá trị mới cho nhà đầu tư của mình và cho thị trường vốn Việt Nam và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định.

Trong 5 năm hoạt động, Vietjet đã vận chuyển trên 35 triệu lượt hành khách, được vinh danh với 32 giải thưởng trong nước và 9 giải thưởng quốc tế lớn.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện trên 300 chuyến bay mỗi ngày với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Theo vietq