Xe bán tải sắp đội giá vì phải 'gánh' thuế tiêu thụ đặc biệt tới 54%

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của dòng xe bán tải (pickup) có thể bằng 60% so với mức thuế TTĐB đang được áp dụng cho xe con có cùng dung tích.

Xe bán tải sắp đội giá vì phải 'gánh' thuế tiêu thụ đặc biệt tới 54%

Áp thuế xe bán tải tới 54%

Hiện tại, mức thuế TTĐB với dòng xe bán tải đang dao động từ 15-25% tùy dung tích xilanh. Trong lần sửa đổi 5 sắc thuế tới đây, mức thuế với dòng xe này tiếp tục vào điểm ngắm của Bộ Tài chính.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế TTĐB với xe vừa chở người vừa chở hàng bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xilanh. Loại xe này chủ yếu có dung tích xilanh khoảng 2.000 - 3.000 cm3 nên nếu thuế suất của xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 55% thì mức thuế với xe bán tải là 33%, cao hơn so với mức hiện tại.

Khi thuế TTĐB xe bán tải bằng 60% thuế TTĐB xe con dưới 9 chỗ ngồi có cùng dung tích, mức thuế TTĐB đối với dòng bán tải sẽ tăng lên. Cụ thể, xe bán tải có dung tích từ 2.0L đến 2.5L sẽ chịu thuế TTĐB 30%; xe bán tải có dung tích xi lanh 2.5L đến 3.0L sẽ bị áp thuế TTĐB 33% (trong năm 2017), sang năm 2018 sẽ là 36%; xe bán tải có dung tích 3.0L trở lên sẽ phải chịu thuế 54% từ ngày 1.1.2018.

Lý giải về cơ sở tăng mức thuế trên, Bộ Tài chính cho biết trong những năm qua, số lượng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Nếu như năm 2012, lượng xe tiêu thụ chỉ là gần 3.300 chiếc thì tới năm 2016, lượng xe tiêu thụ đã lên tới hơn 28.000 xe. Đáng chú ý, trong số xe đã tiêu thụ, xe nhập khẩu chiếm phần lớn, còn lại xe lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Ngoài ra, do loại xe này có mức thuế thấp hơn so với ô tô chở người có cùng số chỗ, cụ thể là xe SUV có thuế TTĐB với dòng có dung tích xilanh 2.500 cm3 - 3.000 cm3 lên tới 55%, nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang dùng xe bán tải.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng từng đề xuất áp mức thuế TTĐB với dòng xe bán tải có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn và có 5 chỗ ngồi trở xuống như ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Vì vậy, để đảm bảo đúng mục đích sử dụng thì việc tăng dòng thuế trên là cần thiết.

Năm 2015, Bộ Tài chính cũng từng đề xuất áp thuế TTĐB với dòng xe này bằng 60% so với mức thuế áp dụng cho xe từ 9 chỗ trở xuống có cùng dung tích xilanh. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận nên thuế ô tô bán tải nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN vẫn ở mức 5%.

Như vậy, nếu thuế TTĐB của xe bán tải tăng lên, giá loại xe này sẽ tiếp tục tăng lên do đây là loại thuế gián thu, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng.

"Nợ công cao thường tăng thuế gián thu"

Ngoài dòng xe bán tải, hàng loạt mặt hàng khác như: nước ngọt, trà, cà phê... cũng là những đối tượng chịu thuế TTĐB trong lần sửa đổi này của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia, kể cả các nước đã phát triển đều có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. Theo đó, để tăng nguồn thu bù đắp cho việc giảm thuế thu nhập, các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng tức thuế VAT và thuế TTĐB. 

Theo thống kê của Bộ, số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 tăng lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016.

Trong khu vực châu Á, các nước như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT.

 
Theo Motthegioi