Xuất hiện cậu bé còn đóng bỉm đã xăm trổ như xã hội đen làm người ta bàng hoàng

Hình ảnh cậu bé xăm trổ đầy người từ trước ngực ra đằng sau lưng, cổ đeo dây chuyền to như dây xích trông rất hổ báo khiến dân mạng bàng hoàng.

Mới đây, trên mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh một cậu bé khoảng chừng 3-4 tuổi với hình xăm trổ đầy người, từ phía trước ngực vòng ra sau lưng xuống tận bên dưới mông.

Cùng với những hình xăm “phượng múa rồng bay” chi chít khắp mình, cậu bé còn đeo 2 dây chuyền, trong đó có 1 dây to như dây xích ở cổ. Đầu tóc nhuộm màu vàng chóe trông rất "hổ báo".


Cậu bé xăm trổ đầy người như xã hội đen.

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, hình ảnh cậu bé xăm trổ đầy mình này đã khiến người xem bàng hoàng, khó hiểu.

Nhiều câu hỏi giống nhau được đặt ra: Vì sao bố mẹ cháu bé lại cho cháu bé đi xăm trổ đầy người như thế?

Bé trai đang tuổi ăn, tuổi học, thay vì mất thời gian cho bé đi xăm trổ như xã hội đen thế này thì nên dành thời gian cho bé đi học chữ, học năng khiếu đàn, hát, vẽ… để bé được phát triển về tri thức…, là ý kiến, quan điểm chung của nhiều người.

Cảm thấy bức xúc, không thể không lên tiếng khi “một trang giấy trắng lại bị vẽ bậy lên người”, Tâm An trách cứ cha mẹ của bé: “Một đứa trẻ con 4-5 tuổi như thế này thì nó biết gì là xăm trổ? Trừ khi bố mẹ nó đè nó ra đưa đi xăm trổ thôi. Mà nếu trong trường hợp đứa bé này muốn xăm trổ đi chăng nữa thì bố mẹ cũng nên là người cấm đoán, không cho bé đi xăm chứ? Nó trẻ con như một tờ giấy trắng mà để vẽ bậy lên người như thế này sao?”.

Đồng quan điểm, Trần Phan Anh tức giận: “Là thằng bé muốn hay người lớn đè nó ra làm trò vui?”.

Nhiều người còn lo ngại, việc xăm trổ nhìn hổ báo như giang hồ cho cháu bé không chỉ khiến mọi người có cái nhìn phản cảm với cháu bé, mà còn có thể ảnh hưởng tới việc học hành và các mối quan hệ sau này của cháu. “Khi cháu bé đến lớp học, bạn bè là các bé cùng trang lứa, nếu nhìn thấy hình xăm trổ kia sẽ thấy sợ và không chơi cùng cháu. Cháu sẽ ít bạn bè để chơi, cảm thấy tủi và chán nản, từ đó có thể ảnh hưởng tới tâm lý, dẫn tới việc cháu bé có cái nhìn, thậm chí là hành động tiêu cực với xã hội”, An Nguyễn ái ngại.

Nghĩ đến việc đau đớn khi đi xăm hình, một số người khác lại cảm thấy đau thay cho cháu bé: “Xăm thì đau lắm. Bé thế này chịu thế nào được?”.

Có người tỏ ra không tin vào chuyện này và nghĩ rằng, việc cháu bé đầy hình xăm trên người, có lẽ chỉ là hình dán hoặc phun. “Cha mẹ nào chẳng thương con, con nhỏ như vậy mà cho đi xăm, con đau, bố mẹ xót lắm. Làm sao mà nỡ nhìn con đau được. Chắc chỉ là phun hình thôi”, Yên Linh nói.

Một người tinh mắt nhận ra trên tường có dán nhiều biển quảng cáo, báo giá về hình xăm thì phán đoán, nhà cậu bé này có thể là cửa hiệu xăm và chỉ phun giả để quảng cáo chứ không phải xăm thật.

Trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó điều gì thì sẽ là như vậy. Vì vậy, hãy vẽ lên cho trẻ những điều tốt đẹp. Đừng mặc nhiên cho mình cái quyền là người lớn thì có thể bắt trẻ làm bất cứ thứ gì mà mình muốn, hãy tôn trọng con dù nó chỉ là một đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ. Vì chính sự tôn trọng ấy của bạn sẽ giúp con hiểu được cảm giác được tôn trọng như thế nào và hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác.

Theo GĐXH