24 người đang hưởng mức lương hưu “khủng” là những ai?

Trong số 2,4 triệu người đang hưởng lương hưu hàng tháng, có 24 người được hưởng mức lương từ 30 triệu đến hơn 100 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu cao nhất Việt Nam thuộc về một người đàn ông ở TP HCM nghỉ hưu từ năm 2015.

Bên lề hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH) bảo hiểm y tế (BHYT) sáng 26-12, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Ban thực hiện hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam, cho biết cả nước hiện có 2,4 triệu người đang được hưởng hàng tháng trong số 13,52 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Cả nước chỉ có dưới 100 người có lương hưu từ 23 triệu đồng/tháng đến 101 triệu đồng/tháng, trong số này có 24 người được lương hưu trên 30 triệu đồng/tháng.

Người đang hưởng mức lương "khủng" 101 triệu đồng/tháng là một nam giới tham gia BHXH trong 23 năm 3 tháng. Trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông này đóng 69 triệu đồng/tháng.

Đến thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng bảo hiểm được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng của người này trong những năm còn lại tính trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng. Người đàn ông này được lĩnh lương hưu mức 87 triệu đồng/tháng. Sau 2 lần điều chỉnh lương hưu, mức này tăng lên hơn 100 triệu đồng/tháng.

Sau người nhận lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng là cựu Tổng giám đốc một doanh nghiệp ở Huế. Sau 2 lần tăng lương, lương hưu của ông này vào khoảng 75,6 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ở nhóm lương từ 17,25 triệu đến dưới 23 triệu đồng/tháng có 150 người, lương từ 10 lần lương cơ sở (13 triệu đồng/tháng) ước tính có 600 người. Nhóm từ 6 triệu đến dưới 13 triệu đồng/tháng có khoảng gần 350.000 người. 

Ông Thọ cũng cho biết thêm mức lương thấp nhất ở Việt Nam hiện nay là hơn 300.000 đồng/tháng. Đây là nhóm những người nông dân ở Nghệ An. Những người này tham gia chương trình thí điểm đóng bảo hiểm xã hội cho nông dân. Sau một thời gian, họ được chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện. Nhóm này có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hàng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng mỗi tháng) nên khi nghỉ hưu, mức hưởng cũng khá thấp.

Thống kê trên toàn quốc có hơn 3.200 người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó phần lớn là cán bộ xã chuyên trách, giáo viên mầm non. 

Ông Thọ cũng cho biết thêm lương hưu bình quân của nhóm công nhân viên chức là hơn 4,26 triệu đồng, cao hơn lương hưu bình quân của nhóm doanh nghiệp và các nhóm khác là hơn 3,4 triệu đồng. Theo đại diện BHXH Việt Nam, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng. Nhiều người đóng BHXH trên cơ sở chuẩn nghèo hiện nay là 700.000 đồng/tháng, nếu nghỉ hưu và đóng đủ năm cũng chỉ nhận được trên 500.000 đồng/tháng.

N.Dung

Theo NLD

----------------------------

Xem thêm:

BHXH làm sai, 63 giáo viên mầm non về hưu bị truy thu lương hưu

Câu chuyện lương hưu của giáo viên mầm non khi về hưu chưa hết "nguội" thì mới đây 64 giáo viên mầm non về hưu ở Phú Yên bỗng dưng phải nộp lại lương hưu cho cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh với số tiền 600 - 900 nghìn đồng/tháng.

BHXH làm sai, 63 giáo viên mầm non về hưu bị truy thu lương hưu

Từ 1/6/2014, bà Nguyễn Thị Ngọc xã Hoà Tân Tây huyện Tây Hoà chính thức hưởng lương hưu theo chế độ của BHXH với mức lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12 vừa qua, BHXH tỉnh Phú Yên lại có điều chỉnh mức lương hưu của bà Ngọc xuống còn khoảng 2,4 triệu đồng mỗi tháng và bà Ngọc phải nộp lại cho bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên 33 triệu đồng.

Với số tiền tiền lương hưu 2,4 triệu đồng/tháng, bà Ngọc lo lắng không biết cuộc sống của gia đình sẽ như thế nào vì mức chi phí hiện nay thì lớn, gia đình không có khoản thu nào thêm trong khi đau ốm bà Ngọc lo không biết lấy gì mà sống.

Nhiều giáo viên mầm non về hưu tại Phú Yên cũng bị truy thu từ 600 đến 900 nghìn đồng/ tháng do chi trả lương hưu sai.

Theo ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ban hành quyết định truy thu tiền lương hưu và điều chỉnh mức lương của 64 giáo viên mầm non. Số tiền giảm từ 600.000 – 900.000đ/người/tháng so với quyết định nhận lương hưu ban đầu.

Cũng theo ông Vinh, hiện trên toàn tỉnh Phú Yên có 325 giáo viên dạy học bậc mầm non ở cấp xã. Họ có hai giai đoạn công tác khác nhau là trước năm 2000 là giáo viên ngoài công lập hưởng lương do UBND xã chi trả. Từ năm 2000 đến nay các giáo viên nay là giáo viên công lập hưởng lương theo ngạch bậc quy định của Nhà nước.

Khi chi trả lương hưu cho những giáo viên mầm non này, BHXH tỉnh Phú Yên có tính nhầm lẫn lương hưu cho 64 giáo viên. Ở đây các cô giáo đã nghỉ hưu từ năm 2014 đến năm 2017. Khi giải quyết chế độ nghỉ hưu, thay vì tính hai giai đoạn công tác của giáo viên là trước năm 2000 và sau năm 2000 thì lại tính là đối tượng hưởng lương theo thang bậc Nhà nước trọn cả một quá trình.

Ông Vinh cũng cho biết với số tiền lương hưu phải truy thu của các giáo viên này sẽ được thực hiện sau và thu dần chứ không đồng thời với việc giảm lương để tránh ảnh hưởng đến đời sống.

BHXH tỉnh Phú Yên sẽ kiến nghị lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xem xét lại việc giải quyết chính sách đối với các giáo viên thuộc đối tượng tương tự…

Theo infonet