Bác sĩ chia sẻ câu chuyện: Mẹ tự tay "giết chết" con vì theo trào lưu chữa bệnh qua mạng



Có rất nhiều câu chuyện đáng buồn đã xảy ra chỉ vì người mẹ tin vào "trào lưu" chữa bệnh trên mạng. Có bé may mắn được cứu chữa kịp thời, nhưng có bé đã phải từ bỏ mạng sống.

Mất con vì chỉ tin kinh nghiệm chữa bệnh truyền miệng trên mạng 

Có rất nhiều fanpage bổ ích trên mạng xã hội giúp các chị em được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng không phải chia sẻ nào là có lợi, nhiều chia sẻ không tốt sau đó trở thành trào lưu tai hại.

Khảo sát cho thấy, các bà mẹ trong nhóm chia sẻ và tỏ ra rất tin vào các kinh nghiệm và trào lưu chữa bệnh trên mạng.

Bản thân họ không cần biết thực hư ra sao, mặc kệ tư vấn của bác sĩ và vẫn cố tin vào những "lời người ta bảo" như: "loại vắc xin này không tốt cho con đâu", "vitamin này nguy hiểm lắm, đừng cho con tiêm nhé"... chỉ dựa theo kinh nghiệm truyền miệng.

Nghe đến những nhóm và trào lưu này, bác sĩ Trần Vũ Quang - Bệnh viện Phụ sản Trung ương tỏ ra rất thắc mắc là không hiểu cơ sở gì, lý thuyết ở đâu mà các mẹ, các chị lại dám tin vào những trào lưu như vậy. 

Bác sĩ chia sẻ câu chuyện: Mẹ tự tay "giết chết" con vì theo trào lưu chữa bệnh qua mạng

Các bà mẹ trong nhóm chia sẻ và tỏ ra rất tin vào các kinh nghiệm và nhiều trào lưu.

"Các bà mẹ chỉ thấy người ta nói là con dùng cái này, cái kia không tốt nên các bà mẹ cứ tin thôi, mặc kệ việc người ta có phải là người có kinh nghiệm, hiểu biết hay không. Thực tế, bác sĩ mới là người có kiến thức về y học và là người trực tiếp chữa bệnh, cứu người.

Vậy mà nhiều người không tin vào bác sĩ mà lại đi tin vào cái gọi là "người chia sẻ", người không có một chút kiến thức nào về y học!" – Bác sĩ Quang cho biết.

Có rất nhiều câu chuyện đáng buồn đã xảy ra chỉ vì người mẹ tin vào "trào lưu" chữa bệnh trên mạng. Có bé may mắn được cứu chữa kịp thời, nhưng có bé đã phải từ bỏ mạng sống.

BS Quang cho biết, đồng nghiệp của anh xót xa kể lại trường hợp một bệnh nhi bị sốt, viêm màng não mủ. Mẹ bé tin vào trào lưu được gọi là trường phái thuận theo tự nhiên, nên khi con bị sốt nhiều ngày nhưng chị nhất quyết không cho con đi bệnh viện và không cho con dùng thuốc. Vì chị tin là để tự nhiên con sẽ tự khỏi.

Sau đó, bé mãi không khỏi chị mới đưa con tới bệnh viện, nhưng chị chỉ cho bác sĩ truyền nước cho con chứ nhất quyết không cho dùng kháng sinh, mặc dù bé bị viêm màng não mủ rất nặng.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu không điều trị bằng kháng sinh thì bé có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi nghe khuyến cáo, bà mẹ này vẫn quả quyết là con có thể khỏi tự nhiên, không cần dùng bất kỳ loại thuốc gì.

Cho đến khi tình trạng của bé chuyển biến nguy kịch chị mới đồng ý cho con điều trị. Nhưng cháu bé đã không qua khỏi vì biến chứng và thuốc không đáp ứng được.

Sau khi bé qua đời, bà mẹ này còn hành hung bác sĩ vì cho rằng, bác sĩ cho bé sử dụng thuốc nên bé mới không qua khỏi.

Bác sĩ chia sẻ câu chuyện: Mẹ tự tay "giết chết" con vì theo trào lưu chữa bệnh qua mạng

BS Trần Vũ Quang - Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Kháng sinh vẫn cần thiết nhưng phải dùng đúng cách

BS Quang cho biết, kháng sinh vẫn luôn là đề tài nóng hổi trong các diễn đàn về chăm sóc sức khoẻ, ngay cả trong giới khoa học.

Kháng sinh có thể diệt được vi khuẩn nhờ những cơ chế chính như ức chế tổng hợp màng tế bào của vi khuẩn, kích hoạt các men phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, tăng tính thấm màng tế bào vi khuẩn, cản trở tổng hợp protein và chuyển hóa acid nucleic của vi khuẩn.

Kháng sinh hỗ trợ hiệu quả và là loại thuốc cần thiết trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng kháng sinh, bởi mặt trái của việc lạm dụng kháng sinh là đẩy con người đến mối nguy hiểm mới là kháng kháng sinh.

Sự kháng kháng sinh của vi khuẩn một phần là do tự nhiên vì quá trình đấu tranh để sinh tồn của vi khuẩn, một phần là do sử dụng kháng sinh không đúng cách.

Qua đó, bác sĩ Quang cũng chỉ ra những sai lầm gây nên tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn như:​

- Dùng thuốc kháng sinh không đủ thời gian, không đủ liều lượng làm cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết và biến đổi để trở nên kháng thuốc.​

- Việc lạm dụng thuốc kháng sinh thành thói quen và phổ biến như không có bệnh nhiễm khuẩn cũng dùng kháng sinh làm cho các vi khuẩn có lợi cho cơ thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh kháng lại với kháng sinh.​

- Dùng thuốc kháng sinh không đúng loại như khi bị mắc bệnh nhiễm khuẩn nhạy cảm với kháng sinh này lại dùng loại kháng sinh khác, làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn biến đổi để kháng lại với kháng sinh.

Để không xảy ra tình trạng kháng kháng sinh, bác sĩ Quang cũng khuyến cáo mọi người cần tuân theo nguyên tắc là "đúng" và "đủ". "Đúng" ở đây là dùng đúng loại kháng sinh cho đúng loại bệnh đó. Còn "đủ" là dùng đủ về liều lượng. Và đồng thời không nên lạm dụng kháng sinh.

Khi trẻ bị ốm, phụ huynh cần theo dõi nghiêm ngặt tình trạng của con. Nếu bé sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt cao không dứt kèm co giật, nôn mửa… thì cần đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để bảo đảm an toàn.

Theo Ttvn

------------------

Xem thêm:

Con đau bụng, cha mẹ đừng làm thay việc của bác sĩ kẻo mất con

Con đau bụng do bị viêm ruột thừa, do chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn tới tình trạng ruột thừa bị vỡ gây những biến chứng khôn lường.

Ruột thừa là một thành phần nhỏ như ngón tay dính với ruột già nằm ở phía dưới bên phải của ổ bụng. Bên trong ruột thừa hình thành một túi cùng thường mở ra vào ruột già. Khi hoạt động mở của chiếc túi cùng này bị cản trở, ruột thừa sưng lên và có thể dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn.

Con đau bụng, cha mẹ đừng làm thay việc của bác sĩ kẻo mất con

Ruột thừa bị viêm có thể vỡ trong vòng 24 đến 27 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Ảnh minh họa

Nếu bệnh không được điều trị thì ruột thừa bị viêm có thể vỡ trong vòng 24 đến 27 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu ruột thừa bị vỡ, cơn đau ở trẻ có thể lan ra khắp vùng bụng và trẻ có thể bị sốt rất cao.

Tuy vậy, báo Thanh niên dẫn lời các chuyên gia y tế, viêm ruột thừa ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác của dạ dày.

Muốn xác định có viêm ruột thừa hay không, cần khám thực thể ở vùng bụng, xét nghiệm bệnh học và xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang bụng và vùng ngực, CT scan trong trường hợp bị nhầm lẫn với bệnh khác.

Theo báo Sức khỏe & đời sống, việc điều trị ngay lập tức là rất quan trọng nếu bị viêm ruột thừa. Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ruột thừa có thể sẽ vỡ ra, giải phóng vi khuẩn và các chất gây hại vào trong ổ bụng. Điều này làm mất nhiều thời gian điều trị trong bệnh viện hơn và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh tình trạng phát hiện muộn, các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1-2 giờ, kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện vì việc theo dõi ở nhà rất nguy hiểm.

Ngoài ra, không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định được nguyên nhân vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.

 Con đau bụng, cha mẹ đừng làm thay việc của bác sĩ kẻo mất con

Nếu ruột thừa bị vỡ, cơn đau ở trẻ có thể lan ra khắp vùng bụng và trẻ có thể bị sốt rất cao. Ảnh minh họa

Do chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn tới tình trạng ruột thừa bị vỡ. Khi ruột thừa bị viêm và vỡ, các chất của đường ruột và các sinh vật gây bệnh có thể bị rò rỉ vào khoang bụng và gây ra nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc).

Nếu ruột thừa vỡ, nhiễm khuẩn và sự rò rỉ các chất đường ruột có thể hình thành áp-xe - ổ nhiễm trùng ruột thừa áp-xe quanh ruột thừa. Vì vậy, ruột thừa áp-xe cần phải điều trị trước khi vỡ ổ áp-xe, gây nhiễm trùng rộng khoang bụng.

Bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết trên báo Tuổi trẻ, Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ cần 6-8 giờ có thể vỡ; do vậy việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải. Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải.

Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô lưỡi dơ, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ sốt nhẹ, dao động 38-38,5OC nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ mới sốt.

Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa. Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa. Do vậy, chẩn đoán viêm ruột thừa phải dựa vào các triệu chứng của bệnh do người nhà phát hiện và kết quả nhiều lần thăm khám bệnh của bác sĩ.

Minh Hà

Theo VietQ