Bán hoa hồng ở lề đường, gai cào tơi tả, bỏ túi 15 triệu đồng/tháng



Nắng che dù, mưa che bạt, những người bán hoa hồng lề đường hàng ngày có thể bán vài ngàn cây là chuyện thường. Tiền lãi mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, tháng nào có ngày lễ thì bỏ túi được nhiều hơn.

Tại TP.HCM, một số tuyến đường đông đúc xe cộ như Trương Định, Điện Biên Phủ (quận 3), Thành Thái (quận 10) rất dễ bắt gặp hình ảnh một số người bày bán hoa hồng Đà Lạt với giá rất rẻ, 15.000 đồng/chục gồm đủ màu, khách tha hồ chọn lựa.

Chị Hồng, quê Vĩnh Long bán hoa hồng ở lề đường Điện Biên Phủ đã được gần năm năm. Đều đặn ngày nào chị cũng bày hàng ra từ lúc 7g sáng, bán đến 11g đêm mới dọn vào. Hoa hồng chất đầy trên kệ hàng “dã chiến” do chồng chị tự mua khung sắt về lắp ráp. Chị nói, cứ bán vơi đi phân nửa thì lại lên kho chở hồng về. 

Bán hoa hồng ở lề đường, gai cào tơi tả, bỏ túi 15 triệu đồng/tháng
Giá bán hoa hồng ở lề đường chỉ 15.000 đồng/chục nên rất đắt khách.

“Lúc nào kệ cũng phải đầy hoa, đủ màu thì mới dễ thu hút khách từ xa. Nếu mình bày ra sát lề đường thì bán rất dễ, nhanh hết. Nhưng như vậy thì bị công an hốt hoài…”, chị Hồng cho biết. Chị kể mấy ngày trước đã bị công an tịch thu kệ, hôm qua thì cái xô và cây dù. Chồng chị lại phải chạy ra cửa hàng mua sắt về làm ngay cái kệ mới để bán tiếp, không thì lỗ vốn.

Bình thường, mỗi ngày chị Hồng bán được khoảng 2.000 cây hồng, tiền lời được 400.000 – 500.000 đồng. Khách chủ yếu là người đi đường, thấy hoa đẹp thì ghé mua về chưng trong nhà. Một số khách quen là các công ty, trường học cũng lấy hàng thường xuyên.

Buổi tối thanh niên đi chơi thường thích mua hoa bó chứ không mua hoa chục. Vì vậy, chị đăng ký đi học thêm lớp gói hoa căn bản, nghề dạy nghề mà tích lũy dần kinh nghiệm. Việc làm này cũng giúp chị kiếm thêm được chút tiền lời.

“Ngày thường chỉ lai rai từ sáng đến tối chứ mê nhất là mấy ngày lễ, bán không kịp nghỉ luôn. Cách đây hơn hai năm, lúc đó ít người bán, mình bán đắt đến nỗi mà không có thời gian ngẩng đầu lên, cứ ngó xuống mà bó hoa thôi, thậm chí muốn đi vệ sinh mà còn không đi được nữa”,chị Hồng nói.

Để không quên chuẩn bị hoa cho ngày lễ, chị nhờ con trai tải lịch Việt về cài vô điện thoại, hễ đến ngày là có thông báo. Với nghề này, chị phải nhớ một số ngày lễ quan trọng trong năm. Đó là cơ hội kiếm tiền không thể nào bỏ qua vì giá bán lên gấp 5-7 lần so với bình thường, kết thúc ngày lễ là có được số tiền lời kha khá để dành.

“Nói vậy chứ chuyện kiếm tiền bằng nghề bán hoa hồng ở lề đường ai cũng tưởng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thật ra cũng đổi bằng máu”, chị Hồng tâm sự, rồi xòe hai bàn tay ra, trên đó tơi tả những vết cắt, xước vì gai, nhiều vết còn mới.

Chị bảo, hoa hồng lấy về phải lặt, tỉa lá, bỏ bớt cánh bên ngoài để chúng trông đẹp, bắt mắt hơn. Hàng từ đầu mối lấy về là những bó lớn, nhìn "bùi xùi", chị phải tỉa tót từng cây một rồi dùng dây thun cột lại thành bó nhỏ 10 cây bán cho khách.

Thế nên chuyện gai đâm, cào xảy ra như cơm bữa, riết thành quen. Những hôm trời mưa bán chậm, chị phải ngồi lề đường đến khuya, cố bán cho hết hàng vì nếu để qua ngày thì nhiều hoa nở bung, khách sẽ chê.

Bán hoa hồng ở lề đường, gai cào tơi tả, bỏ túi 15 triệu đồng/tháng

Vợ chồng chị Mai cơm nước thất thường, rảnh lúc nào ăn lúc đó.

Cũng là dân bán hoa hồng ở lề đường, chị Mai có thâm niên hơn 6 năm với nghề này. Chị chia sẻ, cũng nhờ công việc bán hoa mà mỗi tháng nhà chị có trên 10 triệu đồng để sống. 

“Hồi trước tui bán khẩu trang, cũng ở lề đường như vầy nhưng ế ẫm lắm vì mặt hàng này người ta đâu có mua thường xuyên. Thấy có người bán hoa hồng đắt quá, tui đi hỏi rồi cũng mua về bán đến nay luôn”, chị Mai kể.

Khách mua nhiều lần thành quen, chị để ý biết sở thích của từng khách hàng để phục vụ cho chu đáo hơn. Có khách mua chục, nhưng cũng có nhiều người mua đến cả trăm bông để tặng nhau, hay chỉ đơn giản là mua về để tắm. Thấy hoa rẻ nên nhiều người đặt chị gói hoa tặng sinh nhật, những ngày đầu chưa quen, gói hoa của chị có người chê thẳng, có người nhẹ nhàng góp ý.

Sau thấy nhu cầu nhiều nên chị bỏ ra 5 triệu đồng học lớp dạy cắm hoa, tiền học phí không nhiều nhưng chi phí mua dụng cụ để thực hành mới là ngán. “Nhưng phải công nhận là học xong tui thấy khá hơn hẳn, nhiều khách khen tui bán lề đường mà gói cũng khéo không thua tiệm”, chị cười vui vẻ nói.

Không có được cái kệ “hoành tráng” như chị Hồng, chị Mai chỉ đơn giản ghép vài cái ghế nhựa, trên kê tấm ván dài rồi chất hoa lên là xong. Mỗi ngày chị bán được hơn 1.000 cây, có hôm được 2.000, thậm chí hơn nếu ngày đó có trường làm lễ tốt nghiệp cho sinh viên.

Công việc buôn bán vô chừng này không cho phép vợ chồng chị ăn uống đúng giờ, cơm mua về cứ treo lên cây dù, đói lúc nào ăn lúc đó. Vậy nên có hôm mãi bán mà đến chiều mới ăn cơm trưa. Nhiều hôm có "chiến dịch", công an dọn đường, vợ chồng chị vừa bán vừa canh chừng, cứ bưng ra bưng vào quên cả chuyện cơm nước.

Chị Mai than thở:“Bị tịch thu hoài chứ gì, nhưng vẫn phải bán vì miếng cơm manh áo. Con cái còn nhỏ, ráng để lo cho tụi nó chứ ngồi lề đường cả ngày, da nào chịu nổi, đen thui hết rồi đây. Chưa kể phơi nắng phơi mưa thế này bệnh riết đó chứ”.

Thời tiết cũng ảnh hưởng đến hoa, nhiều hôm nắng quá hoa nở nhanh, chị nhìn mà héo cả ruột gan, cứ van vái cho bán mau hết hàng. Nhiều khách lựa “nhiệt tình” quá khiến hoa bị dập, chị xót của nhưng cũng phải chịu, chỉ nhẹ nhàng nhắc khéo.

“Hoa là mặt hàng có hôm thì quý như vàng, hôm chỉ như rác. Ngày lễ giá hoa cao bao nhiêu khách cũng gật đầu trả, còn ngày thường thì rẻ bèo, hoa xấu dạt ra bỏ đi như rác. Bán đến tối mà còn nhiều thì hạ giá, còn không hết nữa thì ủ lại mai bán tiếp, những hoa nở thì bó vào giấy đẹp sẽ bán được nhanh hơn, cỡ nào cũng phải tận dụng mới có lời được”, chị nói.

Theo PNO