Bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm chống độc, BS soi thấy vỏ thuốc con nhộng trong dạ dày

Không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.

Tác hại khôn lường của thuốc giả

Thuốc giả là gì? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau:"Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".

Như vậy, thuốc giả theo WHO đã bao hàm cả thuốc kém chất lượng, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng.

Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.

Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại ( thường gọi là ADR). Nhưng nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên đến 1/10. Trong đó điều nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm chống độc, BS soi thấy vỏ thuốc con nhộng trong dạ dày

Tác giả bài viết: Ths, Dược sỹ Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, BV 71 Trung ương.

Thói quen mua thuốc tùy tiện + trình độ làm giả ngày càng tinh vi = thuốc giả phát triển!

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp. Tuy nhiên, do thói quen mua bán không cần hoá đơn, thậm chí không cần đơn của bác sĩ khiến cho thị trường tân dược nước ta là điều kiện thuận lợi cho thuốc giả phát triển.

Thuốc giả ngày càng được làm giả rất tinh vi, bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được. Các loại thuốc giả từ mẫu thuốc đến vỏ hộp và tem chống giả đều giống như thuốc thật đã được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để có thể phát hiện được thuốc giả.

Lợi nhuận từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất lớn nên những kẻ sản xuất thuốc giả càng sử dụng những kỹ thuật tinh vi, khó phát hiện hơn. Thuốc giả chỉ được phát hiện khi ra thị trường và chỉ khi chính những nhà sản xuất đem so sánh thuốc thật của mình với thuốc giả mới phát hiện được.

Hơn nữa, tình trạng buôn lậu qua biên giới phức tạp, hiểu biết của người dân về thuốc giả, sự nguy hiểm của thuốc giả còn hạn chế... kết hợp với thực tế một số vụ buôn bán, sản xuất thuốc giả chưa bị xử lý nghiêm đã khiến cho thuốc giả có nguy cơ ngày càng gia tăng.

Thuốc giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị cho người bệnh và đặc biệt gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Điều đáng quan tâm là khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu xuất hiện ngày càng nhiều.

Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) cảnh báo đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

Bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm chống độc, BS soi thấy vỏ thuốc con nhộng trong dạ dày

Thói quen mua thuốc tùy tiện vô tình "tiếp tay" cho thuốc giả. Ảnh minh họa.

Kinh hoàng nạn thuốc giả ở Việt Nam

Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, thuốc giả đã phát hiện ở nước ta bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc đông dược, cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Các cơ quan chức năng đã có công văn cảnh báo việc phát hiện nhiều loại thuốc giả như: thuốc tẩy giun fugacar, thuốc chữa chứng rối loạn cương dương Levitra, thuốc tiêm giảm đau kháng viêm voltaren...

Tại thị trường một số thành phố lớn, cơ quan chức năng cũng phát hiện thuốc có lô thuốc stugeron dùng phòng ngừa say sóng, say tàu xe, máy bay, phòng ngừa và điều trị đau nửa đầu, điều trị duy trì các triệu chứng có nguồn gốc tuần hoàn não bị làm giả.

Nhiều loại thuốc giả xuất hiện ở cả các biệt dược khá nổi tiếng như thuốc kháng sinh tiêm Augmentin, thuốc bột Biolactyl, thuốc viên nén bao phim Chlorpheniramin Maleat.

Những thương hiệu dược phẩm này khá nổi tiếng , đã được người tiêu dùng tín nhiệm, vì vậy thuốc giả đã xuất hiện với các tên thuốc này để đánh lừa người dùng thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại cho hãng sản xuất loại biệt dược đó. Những loại thuốc đắt tiền như thuốc chữa ung thư, kháng sinh mạnh cũng đã xuất hiện thuốc giả.

Đã có nhiều vụ thuốc giả lớn được phát hiện ở nước ta. Điển hình là vụ viên nang Ampicilin 500mg giả tại Nghệ An và Quảng Ngãi. Viên nang cứng, một nửa màu trắng – một nửa màu đỏ, vỉ 10 viên, viên được sắp xếp chéo trên vỉ khi lấy tại nhà thuốc thị xã Cửa Lò, không có phản ứng định tính của Ampicillin. 49 vỉ thuốc giả này tại Nghệ An đã được thu giữ.

Bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm chống độc, BS soi thấy vỏ thuốc con nhộng trong dạ dày

Thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" có thể gây chết người bị thu giữ. Ảnh: CAND.

Hay vụ gần 14.000 gói thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" là loại thuốc đông y chứa tân dược, gây nguy hại sức khoẻ cho người dùng cũng đã được thu giữ.

Tại Phú Yên, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại thuốc kháng sinh Ampiciline, Erythromicine và Cotrim fort giả.

Thuốc trị sốt rét giả không đáp ứng hiệu quả điều trị, gây nguy hại cho sức khoẻ người bệnh và bệnh nhân có thể chuyển thành sốt rét nặng, sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.

Còn một loạt các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, không đúng thành phần đăng ký, không đủ hàm lượng, cạo sửa hạn dùng…đều là thuốc giả và phải thu hồi để tránh gây hại cho người sử dụng.

Ca bệnh hiểm vì thuốc giả ở Trung tâm chống độc

Thuốc giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Sử dụng thuốc giả không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn cả sức khỏe con người. Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt... không rõ nguyên nhân vì sao.

Chỉ đến khi tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng do bệnh nhân này đã uống phải thuốc giả nên những vỏ thuốc không được hoà tan như thuốc thật và thứ bột trong trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày và gây ngộ độc toàn thân.

Các bác sĩ Trung tâm chống độc cho hay, bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn "mua" thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn thuốc giả không phải dễ. Thuốc giả không những sản xuất trong nước mà còn được đưa từ nước ngoài vào. Việc các cơ quan chức năng để lọt lưới đưa một lượng lớn thuốc giả chữa ung thư vào nước ta gần đây đã làm cho người dân mất lòng tin đối với một số người được cho là "chuyên gia" trong việc ngăn chặn thuốc giả tinh vi tràn vào Việt Nam.

Do đó, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và phải tăng chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả để tăng tính răn đe.

Bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm chống độc, BS soi thấy vỏ thuốc con nhộng trong dạ dày

Làm giả thuốc tẩy giun Fugacar là sự việc mới nhất vừa bị cơ quan chức năng phát hiện (bấm vào ảnh để xem cách phân biệt thuốc Fugacar thật - giả).

Các loại thuốc giả chỉ được phát hiện khi đã lưu hành trên thị trường và cũng rất khó truy tìm nguồn gốc. Hầu hết được phát hiện ra khi nhà sản xuất nghe phản hồi thông tin sử dụng thuốc không hiệu quả, đi kiểm tra thì mới biết đã có thuốc bị làm giả.

Việc kiểm tra, giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay từ khâu bào chế sản xuất, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, thuốc Đông dược, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng sẽ góp phần hạn chế thuốc giả.

Để thuốc giả, thuốc kém chất lượng không còn "đất sống", người dân không nên mua các thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc bán dạo, trôi nổi trên thị trường.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề bài viết và đề mục trong bài do tòa soạn đặt. 

Ths, Dược sỹ Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, BV 71 Trung ương

Theo Trí Thức Trẻ