Bị can trong vụ án liên quan Trịnh Xuân Thanh bất ngờ tử vong là ai

Một bị can trong vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã bất ngờ tử vong trong quá trình điều tra.

Báo Dân Trí thông tin, quá trình công an điều tra vụ án “tham ô tài sản” đối với Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong thương vụ mua bán cổ phần bất động sản, bị can Đặng Sỹ Hùng - nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Cty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) - đã bất ngờ tử vong.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng (SN 1975).

Để khắc phục hậu quả của vụ án mà các đối tượng đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng (theo cáo buộc của cơ quan điều tra), cơ quan CSĐT xác định, bị can Đặng Sỹ Hùng sau khi chết không có tài sản riêng. Tuy nhiên, gia đình bị can Hùng đã nộp lại cơ quan CSĐT số tiền hơn 13 tỷ đồng.

bi-can-trong-vu-an-lien-quan-trinh-xuan-thanh-bat-ngo-tu-vong-la-ai

 Bị can Đặng Sỹ Hùng bất ngờ tử vong - ảnh chụp năm 2011. Ảnh: Công an nhân dân

Theo Kiến Thức, trước đó, trong kết luận điều tra vụ án của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an nêu rõ, bị can Đặng Sỹ Hùng đã đại diện PVPLand cùng các cổ đông Cty Xuyên Thái Bình Dương ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần với giá 52 triệu đồng/m2 đất, sau đó Hùng đã cùng Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng Giám đốc PVP Land, lập Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 đất (chênh 18 triệu đồng/m2) rồi nhờ Thái Kiều Hương, Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư Vietsan tác động để Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty PVC; Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần để chiếm đoạt tiền chênh lệch giá.

Bản thân Hùng đã nhận 20 tỷ đồng của Lê Hòa Bình. Do bị can Đặng Sỹ Hùng đã chết nên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này.

Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 3/2010, do có nhu cầu mua lại dự án xây dựng lên Lê Hòa Bình đã gặp Huỳnh Nguyễn Quốc Duy. Thông qua Duy, Lê Hòa Bình đã gặp Đặng Sỹ Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Cty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) - doanh nghiệp sở hữu 50,5% cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận với Hùng, Duy để mua 100% cổ phần của các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 tại dự án Nam Đàn Plaza.

Trên cơ sở thỏa thuận với Bình, Hùng đã liên lạc, thông báo cho các cổ đông công ty Xuyên Thái Bình Dương về việc trên. Hùng và Duy cũng sắp xếp cho Lê Hòa Bình gặp đàm phán với các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Kết quả đàm phán, các bên đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 giữa bên mua do Lê Hòa Bình đại diện và bên bán là 5 cổ đông gồm PVP Land, VNPT Land, Công ty Vietsan, công ty Nam Hà Thành.

Trong đó, Đặng Sỹ Hùng đại diện PVPLand theo ủy quyền của TGĐ Nguyễn Ngọc Sinh. Sau đó, Đặng Sỹ Hùng đã báo cáo Nguyễn Ngọc Sinh về kết quả đàm phán, ký hợp đồng trên.

Đặng Sỹ Hùng cũng là người đã nhờ Thái Kiều Hương - Phó TGĐ Công ty Vietsan tác động Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC chấp thuận cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Sau đó, Hương đã nhờ Đinh Mạnh Thắng tác động, kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 15/4/2010, theo yêu cẩu của Đặng Sỹ Hùng, Lê Hòa Bình và Đặng Thị Kim Thoa đã ký 5 séc rút 20 tỷ đồng giao cho chị Trần Thị Huế và Trần Văn Ngân - nhân viên công ty Minh Ngân giao đủ cho Hùng 20 tỷ. Trong số 20 tỷ đồng này, Hùng đưa cho vợ là Nguyễn Thị Thu Hồng 12 tỷ để gửi tiết kiệm. Chị Hồng xác nhận và đã gửi 12 tỷ cùng tiền lãi cho cơ quan điều tra.

Bị can Đặng Sỹ Hùng khi còn sống đã khai nhận, Hùng đã có báo cáo chi tiết với Nguyễn Ngọc Sinh về việc đàm phán và cùng các cổ đông ký hợp đồng đặt cọc bán cổ phẩn với giá 52 triệu đồng/m, còn hợp đồng 66 bán với giá 34 triệu/m2 căn cứ vào đâu thì Hùng không rõ mà chỉ được nghe ông Đinh Ngọc Bình (Phó Tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Mai Lan (Thư ký HĐQT) nói hợp đồng ký với giá này là theo ý kiến chỉ đạo của Đào Duy Phong (ông Bình và bà Lan không xác nhận nội dung này). Hùng đã nhận 20 tỷ đồng từ chị Trần Thị Huế.

Lâm Anh (T/h)

Theo VietQ

----------------------------

Xem thêm:

Trịnh Xuân Thanh nhận vali chứa 14 tỉ đồng như thế nào?

Sau khi công an khởi tố vụ án lừa đảo thì Trịnh Xuân Thanh đã hoàn trả số tiền này nhưng cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Trịnh Xuân Thanh đã cấu thành tội phạm.

Trịnh Xuân Thanh nhận vali chứa 14 tỉ đồng như thế nào?

Như chúng tôi đã thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí VN (PVP Land) và Công ty Cổ phần Minh Ngân.

Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố Trịnh Xuân Thanh; Lê Hòa Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng 1/5 và Công ty Minh Ngân); Thái Kiều Hương (nguyên phó TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan); Đinh Mạnh Thắng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) và bốn bị can khác về tội tham ô tài sản.

Bán giá thấp hơn 87 tỉ, được chia 49 tỉ đồng

Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2009, đầu năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có chủ trương chuyển tất cả công ty đầu tư kinh doanh bất động sản nhập vào PVC, trong đó có Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land.

Biết PVP Land chiếm 50,5% vốn tại dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội), Lê Hòa Bình tìm cách mua bằng được dự án Nam Đàn Plaza để có phương án bồi thường căn hộ cho khách hàng đã bị ông này lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại dự án Thanh Hà Cienco5.

Thông qua môi giới, tháng 3-2010, Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần của PVP Land và các cổ đông còn lại của dự án với giá tương đương 52 triệu đồng/m2.

Sau đó, từ ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), phía mua cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza đã gặp được Trịnh Xuân Thanh. Sau khi bàn bạc, Đào Duy Phong (chủ tịch PVP Land) ký tờ trình để PVC phê duyệt bán cổ phần tại Nam Đàn Plaza với giá thấp hơn thực tế là 34 triệu đồng/m2. Sau đó Trịnh Xuân Thanh ký nghị quyết HĐQT triển khai việc chuyển nhượng này.

Các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Lê Hòa Bình ký với đại diện PVP Land có tổng giá trị hơn 190 tỉ đồng, giảm hơn 87 tỉ đồng so với mức giá bán chung.

Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai người liên quan, xác định Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 49 tỉ đồng trong tổng số hơn 87 tỉ đồng chênh lệch giá chuyển nhượng, trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỉ đồng (đã hoàn trả người đưa), Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ đồng (đã hoàn trả người đưa).

Chiếc vali kéo chứa 14 tỉ đồng

Theo kết luận điều tra, việc chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh được thực hiện thông qua Thái Kiều Hương. Theo đó, ngày 6-4-2010 sau khi Lê Hòa Bình thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng, Thái Kiều Hương đã yêu cầu Bình đưa 14 tỉ đồng để Hương chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.

Theo yêu cầu của Hương, phía Lê Hòa Bình đã ký hai séc rút 9 tỉ đồng từ tài khoản của Công ty Minh Ngân tại một ngân hàng ghi tên người nhận tiền là chị Lê Dung, nhân xiên Công ty Vietsan; giao 5 tỉ đồng bằng tiền mặt cho anh Nguyễn Văn Tấn, lái xe của Thái Kiều Hương. Khi được chị Dung và anh Tấn thông báo đã nhận đủ tổng cộng 14 tỉ đồng, Hương đã gọi điện thoại cho Đinh Mạnh Thắng báo đã nhận đủ 14 tỉ đồng từ Công ty Minh Ngân nhờ Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.

Thắng đã nhận lời chuyển giúp. Thắng nói Thắng không ở nhà, cứ mang 14 tỉ đồng đến nhà Thắng giao cho vợ Thắng, Thắng sẽ chuyển cho Thanh. Sau đó Hương chỉ đạo lái xe Công ty Vietsan đón chị Dung và chở tiền đến khu tập thể Thanh Xuân Nam (gần nhà Đinh Mạnh Thắng) đợi Hương đến rồi chuyển 9 tỉ đồng sang xe của Hương do anh Tấn lái. Sau đó Tấn đưa Hương đến nhà Thắng và chuyển 14 tỉ đồng cho vợ Thắng như Thắng hướng dẫn.

Ngày hôm sau, Đinh Mạnh Thắng gọi điện thoại bảo Trịnh Xuân Thanh là đã nhận tiền do Thái Kiều Hương nhờ chuyển cho Thanh. Lúc đó Thanh bảo cứ chuyển cho lái xe của Thanh là anh Nguyễn Đặng Toàn nên Thắng đã bảo lái xe của mình giao 14 tỉ đồng để trong một vali (loại có bánh xe kéo) cho Toàn dể Toàn chuyển cho Thanh.

Sau khi nhận, Toàn đã cho vali tiền vào cốp sau xe ô tô Thanh vẫn đi và có báo cáo lại với Thanh; hết giờ làm việc trong ngày khi đưa Thanh về nhà, Toàn có nhìn thấy Thanh kéo chiếc vali nói trên vào nhà riêng cất giữ (tại khu đô thị Ciputra), sau đó Thanh sử dụng thế nào thì Toàn không biết.

Trả lại nhưng vẫn cấu thành tội phạm

Cũng theo kết luận điều tra, sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án (ngày 21-4-2010) về việc Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do Thái Kiều Hương yêu cầu nên Đinh Mạnh Thắng đã hoàn trả 5 tỉ đồng đã nhận trước đó (ngày 29-3-2010). Sau đó Thắng yêu cầu Thanh trả tiếp 14 tỉ đồng cho Hương (Thắng trực tiếp đến gặp Thanh nhận lại số tiền 14 tỉ đồng đã đưa cho Thanh ngày 7-4-2010).

Ngày 29-6-2010, Lê Hòa Bình, đại diện Công ty Minh Ngân, đã ký văn bản thỏa thuận với Công ty Vietsan về việc đưa khoản 19 tỉ đồng mà Thái Kiều Hương nhận ngày 29-3-2010 và ngày 6-4-2010 vào thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Kết quả đấu tranh các bị can đều khai nhận phù hợp nội dung đưa nhận tiền nêu trên. Cụ thể, Đinh Mạnh Thắng đã thừa nhận nhận từ Thái Kiều Hương 19 tỉ đồng trong đó sử dụng 5 tỉ đồng, chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỉ đồng. Thắng nghĩ số tiền này là do PVP Land cảm ơn do việc mua bán cổ phần thành công. Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Hương điện thoại yêu cầu lấy lại nên Thắng đã hoàn trả cho Hương 19 tỉ đồng.

Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh khai đã được Thắng chuyển cho một vali, khi mang về nhà có mở ra thấy nhiều tiền bên trong nhưng không đếm nên không biết bao nhiêu nhưng sau đó một số ngày đã hoàn trả lại cho Thắng.

Theo cơ quan điều tra, sau khi C46 khởi tố vụ án ngày 21-4-2010, Thanh và Thắng mới hoàn trả lại Hương số tiền 19 tỉ đồng, như vậy hành vi chiếm đoạt của Thanh, Thắng đã hoàn thành; PVP Land vẫn bị chiếm đoạt số tiền này.

Cơ quan điều tra kết luận Trịnh Xuân Thanh phạm vào tội tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò người chủ mưu, cầm đầu.

Đ.Minh-TH 

Theo PLO