Bị cáo nói đã làm hết trách nhiệm nhưng ống nước vẫn vỡ

Chiều 8.3, phiên xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp tục diễn ra với phần tranh luận, tự bào chữa của các bị cáo trong nhóm các bị cáo thuộc Đoàn tư vấn giám sát.

bi-cao-noi-da-lam-het-trach-nhiem-nhung-ong-nuoc-van-vo

Tự bào chữa cho mình, theo bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam (Bộ Xây dựng), nguyên giám sát viên tại dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội), các bị cáo đều làm việc hết sức trách nhiệm. Ở đây, dự án có rất nhiều cái mới và Đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất.

Theo lời tự bào chữa của bị cáo Quân, cái gì mới thì không tránh khỏi sai sót; vì vậy, bị cáo Quân mong HĐXX cân nhắc, xem xét sự việc vì khi sự cố xảy ra, các đường ống bị vỡ, các bị cáo ai cũng buồn khi mọi người đã làm hết trách nhiệm mà vẫn có sự cố.

Bào chữa cho nhóm bị cáo trong Đoàn giám sát, luật sư Lê Ngọc Hà cho rằng bản cáo trạng của Viện KSND tối cao đã quy kết không đúng người, không đúng tội.

Việc cơ quan điều tra và VKS “hình sự hóa quan hệ dân sự” để khởi tố, điều tra, kết luận về tội phạm như vậy trong vụ án này đối với các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát là không chính xác, không khách quan, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của những công dân này.

Đối với các hành vi của Đoàn tư vấn giám sát thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28.3.2006 giữa Công ty Nước và môi trường Việt Nam với Ban QLDA, luật sư Hà phân tích: Thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18 đã ký với Ban QLDA, ngày 10.4.2006 Giám đốc Công ty Nước và môi trường Việt Nam (Viwase) đã ban hành quyết định số 59 QĐ/NMT thành lập Đoàn tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị của dự án.

Trong đó xác định: “Đoàn tư vấn giám sát có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội”.

Đối chiếu với các tài liệu thể hiện trong hồ sơ vụ án và các lời khai trong biên bản hỏi cung đối với các bị cáo trong Đoàn giám sát, luật sư cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18, các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát của Viwase đã tuân thủ đúng các nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng kinh tế số 18 và Đề cương giám sát, không có lỗi dẫn đến sự cố vỡ đường ống cốt sợi thủy tinh.

Theo luật sư Hà, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn giám sát hiện trường, các bị cáo hoàn toàn không có động cơ, mục đích phạm tội, đặc biệt không có tư lợi, chỉ đơn thuần là cán bộ làm công ăn lương theo hợp đồng lao động ký với Viwase.

Đây là nhóm các kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, đã có nhiều năm kinh nghiệm, cống hiến, công tác trong nhiều dự án cấp thoát nước có vốn đầu tư ngân sách nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Cáo trạng truy trách nhiệm của Đoàn tư vấn giám sát khi đã không cho thu hồi lô ống cùng loại với ống phát hiện có lỗi chất lượng như phồng rộp, tách lớp, lồi lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống...

Về điều này, luật sư Hà khẳng định Đoàn tư vấn giám sát hoàn toàn không có thẩm quyền thu hồi lô ống composite cốt sợi thủy tinh được sản xuất cùng loại với những ống đã phát hiện có lỗi chất lượng như yêu cầu bất khả thi của cáo trạng.

Từ những phân tích đã nêu, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội tại điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2015, áp dụng quy định tại điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuyên bố hành vi đã thực hiện của các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28.3.2006 giữa Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam với BQLDA không phải là tội phạm.

Phiên xét xử sẽ được tiếp tục vào chiều mai (9.3).

Nhã Thanh

Theo Motthegioi

----------------------------

Xem thêm:

Lời khai của ông Phí Thái Bình: Nhiều nguyên nhân gây vỡ đường ống nước sông Đà