Bị ‘hành’ chóng mặt, tài xế bỏ Uber và Grab về với taxi truyền thống

Anh N.V.Hải, chủ của chiếc Kia Morning than thở: “Chán Uber với Grab, chạy toàn bị ăn chặn thưởng rồi toàn gặp khách hãm. Thôi em cứ về taxi truyền thống...

“Trong chán ngoài thèm”

Trong khi các tài xế GrabBike đang kêu gọi tắt ứng dụng để kịch liệt phản đối hãng tăng chiết khấu thêm 5% thì nhiều lái xe taxi cũng bắt đầu từ bỏ con đường lái Uber, Grab để trở về với “lối mòn” cũ của taxi truyền thống.

Không ít người nghe theo lời quảng cáo “thu nhập cao”, lao vào tìm kiếm cơ hội làm giàu với Uber và Grab nhưng sau một thời gian trải nghiệm, họ mỏi mệt thốt lên một câu: Đúng là “trong chán, ngoài thèm”.

Anh Nguyễn Trọng, người đã từng tham gia mạng lưới của cả Uber và Grab, sau vài chục ngày chạy xe, quá ức chế, anh đã quyết định nghỉ làm để quay về lái taxi truyền thống. Anh kể: Vì Uber, Grab là ứng dụng báo tiền trước nên nhiều khách hàng cố tình book địa chỉ sai để giảm cước phí vận chuyển.

Đến khi lái xe liên hệ để đến, điểm đón thì vòng vèo, điểm trả khách tận ngóc ngách, đường xa thêm rất nhiều nhưng mức phí thì đã được ấn định trước. Cuối cùng, lái xe là người phải chịu thiệt, vì quá tốn tiền xăng.

Anh Trọng cũng chia sẻ vui rằng: “Taxi truyền thống chạy tháng 15- 20 triệu tiền tiêu thoải mái nhưng chạy với Uber, Grab giả sử có được 40 – 50 triệu nhưng xăng dầu cũng phải mua chịu”.

Theo anh Trọng, để có được mức thu nhập (trừ phí) 30 – 50 triệu đồng/tháng mà cánh lái xe hay truyền tai nhau thì tài xế phải làm việc lao lực rất nhiều, thậm chí, nói đúng hơn là bị “hút máu”.

“Chạy Uber, Grab, bỏ được vào túi 30 triệu có mà ăn ngủ trên xe, xong số tiền kiếm được thì biếu các bác sỹ ở bệnh viện để chữa trĩ và dạ dày là vừa. Bởi chạy xe 1 ngày để kiếm được 1 triệu hoặc hơn 1 triệu một chút thì phải “cày” nhiều, ngồi nhiều, nhanh bị trĩ lắm. Làm 15 tiếng trâu bò cũng chết, xe tăng cũng hỏng, huống chi là con người” – anh Trọng nói.

Còn trường hợp của anh N.V.Hải, chủ của chiếc Kia Morning cũng tương tự. Anh từng có một thời gian chạy taxi truyền thống, trước “cơn sốt” lái xe ứng dụng công nghệ lên ngôi, anh cũng mong “đổi vận” khi đăng ký chạy xe cho Grab và Uber. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, anh lại quyết định nghỉ lái Uber, Grab.

Bị ‘hành’ chóng mặt, tài xế bỏ Uber và Grab về với taxi truyền thống

 Bị vắt kiệt sức, chịu nhiều ức chế, nhiều chủ xe bỏ Uber, Grab quay về với taxi truyền thống. Ảnh minh họa: Facebook

Anh Hải than thở: “Mình chán Uber với Grab lắm, chạy toàn bị ăn chặn thưởng rồi toàn gặp khách hãm, đặt sai địa chỉ hoặc người khác đặt hộ, khi mình không làm theo thì bị đánh giá sao thấp. Bị sao thấp nhiều sẽ bị khóa ứng dụng.

Tiền thưởng thường chạy hôm nay thì sau tiền mới chuyển về, nhưng một số anh em hay bị chuyển thiếu. Đi làm vất vả như vậy nhưng tất cả công việc cứ phải dựa theo số sao khách chấm, gặp phải khách không lịch sự thì khổ lắm.

Nhiều khi khách đểu cứ cho 1 sao thì chẳng mấy lúc mà treo tài khoản đâu. Với lại tiền hoa hồng Grab trừ cao quá, tính ra chạy hại xe mà mệt mỏi hơn taxi. Chạy 100km đường phố mới được 950.000 đồng.

Trừ mất hơn 200.000 đồng phí, 250.000 đồng xăng, chẳng còn lại được bao nhiêu. Mà đâu phải chạy 100km có khách hết đâu. Còn nhiều km rỗng không khách nữa”.

Ngoài ra, có vô vàn những lý do khác khiến anh Hải từ bỏ công việc làm thuê cho Grab, Uber. “Làm ở Grab, tổng đài nói 1 kiểu nhưng khi lên văn phòng hỗ trợ, họ lại nói một kiểu khác, đôi khi làm mất rất nhiều thời gian của mình. Nhân viên văn phòng không chuyên nghiệp. Thu nhập so với taxi truyền thống cũng ngang nhau”.

Anh Hải kết luận: “Thôi mình cứ về taxi truyền thống, được cuốc nào hay quốc đó chứ Uber với Grab thì nản lắm, bị vắt kiệt sức luôn”.

“Tiến không được, lùi không xong”

Cũng đồng tình với quan điểm của anh Hải, bác Dương Thọ, một lái xe đã bỏ Uber, Grab, bán 2 tài khoản với giá 3 triệu đồng cho một người hàng xóm, đã rút ra kinh nghiệm “xương máu”: “Tôi chạy taxi tháng cũng được chục triệu. Kiếm tiền thế thôi cho nhẹ nhàng.

Mỗi tháng đóng tiền đàm, chạy được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Thi thoảng khách quen gọi cuốc liên tỉnh hay một vài cuốc “ngon”, tranh thủ chạy thì cũng được kha khá. Chứ cày Grab phá sức, phá xe. Cứ suốt ngày rong ruổi trên đường, chẳng mấy chốc mà xe tàn, xót lắm!”.

Trên một số diễn đàn của nhóm, hội các đối tác, lái xe Uber, Grab, không ít các thành viên đã đăng đàn kêu gọi, nhắc nhở các tài xế “đừng đâm đầu vào”, kẻo “chết không kịp ngáp” hay “nó xích vào cổ rồi thì nhục!”.

Bị ‘hành’ chóng mặt, tài xế bỏ Uber và Grab về với taxi truyền thống

 Có tài xế cho rằng: "Cày" Grab vừa phá sức, phá xe. Ảnh minh họa: Grab

Một thành viên viết: “Uber, Grab “hành” anh em kinh lắm! Ôm vô lăng cả ngày mới thấm. Nhiều khi chỉ muốn chửi thề với khách. Tôi thấy lái Uber, Grab chỉ chết lái xe thôi.

Mong anh em hiểu, đừng có nhao vào. Đừng có dại bỏ tiền ra mua xe trả góp, rồi “há miệng mắc quai”, buộc phải “cày” nhiều để kiếm tiền. Không “cày” thì không có tiền trả lãi ngân hàng. Anh em sẽ rơi vào thế “tiến không được, lùi cũng không xong”.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vừa qua, thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng đã nhìn ra những bất cập của dịch vụ Uber và Grab. Ông đã đặt câu hỏi về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab, Uber.

Ông Quốc cho rằng: Dù hoạt động của Uber và Grab được chính thức chấp nhận hay không chấp nhận, cả hai đều đi đến những hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, nếu chấp nhận, thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt.

Nếu không chấp nhận thì chủ hãng ở nước ngoài kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động.

“Lý thuyết quảng cáo xe tham gia Grab, Uber là xe nhàn rỗi nhưng thực tế có biết bao nhiêu người sắm xe hy vọng hành nghề thì nay lỡ dở họ sẽ dồn trách nhiệm cho nhà nước.

Do vậy càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc.

Tóm lại, vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là: Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước?” – ông Dương Trung Quốc bày tỏ sự băn khoăn.

Theo vietq