Cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm ở Việt Nam

Kháng sinh là giải pháp hữu hiệu giúp con người điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn. Nhưng hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang ngày một gia tăng…

Thuốc kháng sinh được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp con người trong điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn.

Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh.

Tuy nhiên, tình trạng người bệnh lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi mắc phải bệnh lý từ thông thường đến nghiêm trọng, và sử dụng một cách bừa bãi… khiến cho sự gia tăng về tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh ngày càng cao.

Thực trạng đáng báo động

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ người dân sử dụng thuốc kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Còn theo con số khảo sát mới đây của Bộ Y tế ở gần 3.000 nhà thuốc cũng cho thấy có tới hơn 90% số người mua thuốc kháng sinh không theo đơn chỉ định của bác sỹ.

Có thể thấy rõ, việc kháng thuốc kháng sinh hiện nay là do việc người dân sử dụng tùy tiện.

Nhiều người dân khi bị các bệnh thông thường vẫn thường xuyên mua thuốc ở các hiệu thuốc gần nhà mà không cần đơn của bác sỹ do ngại đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bên cạnh đó, nhiều người dân không chỉ tự kê đơn mà còn tự mua thuốc về chữa trị cho mình và người thân mà bản thân lại không có chút kiến thức gì về y học.

Nếu thấy bệnh thuyên giảm thì họ tiếp tục mua thuốc kháng sinh đó về sử dụng, còn nếu không họ sẽ chuyển sang loại thuốc khác không cần biết có đúng bệnh hay không. Chỉ đến khi bệnh trở nặng thì mới chịu đi các cơ sở y tế để khám.

Cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm ở Việt Nam

Tại các hiệu thuốc lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố người dân vẫn vô tư mua thuốc không đơn.

Ở hầu hết các nhà thuốc, các loại thuốc kháng sinh được bán nhiều mà không cần kê đơn là các loại thuốc kháng sinh như Ampicillin, Ammoxicilin, Cephalexin, Azithromycin, các loại kháng sinh này thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, cảm ho, vitamin...

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc ở nước ta cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.

Cũng theo số liệu của đợt khảo sát này cho thấy, có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn.

Doanh thu bán thuốc kháng sinh ở thành thị chiến 13,4% tổng doanh thu của hiệu thuốc và chiếm 18,7% tổng doanh thu của các nhà thuốc ở nông thôn.

Hàng năm chi phí thuốc ở các bệnh viện chiếm 48% chi phí điều trị, trong đó các chi phí cho kháng sinh chiếm 33%.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh không đơn, chỉ định quá mức cần thiết là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng kháng kháng sinh như hiện hiện nay.

Mặc dù, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khoản 1, Điều 40 Nghị định 176 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định các nhà thuốc chỉ được bán thuốc theo đơn tuyệt đối không được bán thuốc khi không có đơn.

Tuy nhiên, tại các hiệu thuốc bán không đơn là rất nhiều, từ các thuốc kháng sinh, vitamin, đến các thuốc chữa ung thư đều được mua bán dễ dàng.

Tại hội thảo khoa học truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội mới đây cũng nêu lên thực trạng đáng báo động, hiện nay hầu hết toàn bộ các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bán kháng sinh không đơn, bán cho cả các bệnh nhân không cần điều trị bằng kháng sinh, phản ánh thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh rất phổ biến trong cộng đồng hiện nay.

Hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng, hầu hết các nhà thuốc tư nhân bán thuốc kháng sinh không cần đơn là bởi lợi nhuận từ việc bán thuốc kháng sinh là rất lớn, việc này cũng thấy hiện tại việc tuân thủ quy định, quy chế kê đơn thuốc của các nhà thuốc tư còn bộc lộ nhiều sai sót và nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả thì việc mua, bán sử dụng thuốc kháng sinh sẽ rất khó để kiểm soát.

Việc sử dụng kháng sinh của người dân tràn lan như hiện nay đã dẫn tới tình trạng kháng thuốc ở các bệnh viện hiện đang rất phức tạp.

Một số loại thuốc mới đưa vào thị trường Việt Nam chưa được 10 năm đã giảm nhanh về độ nhạy cảm với các vi khuẩn và làm giảm hiệu quả điều trị với thuốc rất lớn.

Cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra

Thực trạng trên một phần là do ý thức của người dân về việc kháng kháng thuốc của người dân chưa được nâng cao, bên cạnh đó là quy chế quản lý về việc kê đơn, bán thuốc của các cơ sở vẫn chưa được chặt chẽ dẫn tới tình trạng các nhà thuốc thoải mái bán những loại thuốc kháng sinh để người dân tự dùng dẫn tới việc nhờn thuốc và kháng thuốc ngày càng tăng lên.

Không chỉ riêng người bệnh, người bán thuốc mà ngay cả một số y bác sỹ tại các viện cũng lạm dụng chỉ định những loại kháng sinh mạnh để kê cho người bệnh.

Việc gia tăng tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cũng đã làm cho việc kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh tăng nhanh, từ đó đã tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt của các thuốc kháng khuẩn mới, nhất là đối với các loại thuốc để điều trị cho những người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Chính điều này đã làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dào, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, cùng với đó là chi phí điều trị ngày càng tăng là gánh nặng cho cá nhân, gia đình và của toàn xã hội.

Đáng báo động, trong khi chúng ta vẫn còn đang loay hoay với việc kháng thuốc kháng sinh ở trên cơ thể người thì hiện nay kháng sinh đã xâm nhập vào các chuỗi thức ăn mà môi trường sinh thái do chúng ta quá lạm dụng kháng sinh trong việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản… để điều trị, phòng tránh bệnh cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc tạo điều kiện cho các vi khuẩn trở nên kháng thuốc làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không có hiệu quả.

Nhằm ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang có nguy cơ tăng nhanh như hiện nay, thì từ năm 2013 Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc đến năm 2020 với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống các dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc và đã thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc, thành lập đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia đặt tại Cục quản lý khám chữa bệnh.

Để kế hoạch phòng chống kháng thuốc thực hiện có hiệu quả cần có sự chung tay cam kết của tất cả các bộ ngành liên quan, các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng phải vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Bên cạnh đó, ngoài các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thì công tác phòng, chống kháng thuốc cũng cần có sự tham gia tích cực, chủ động của mọi người dân.

Người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ kê đơn và sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi hải sản, trồng trọt đúng hướng dẫn.

Các cán bộ y tế cần tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong việc điều trị hợp lý và an troàn.

Nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, tới đây Bộ Y tế sẽ điều tiết việc phân phối, đặc biệt đối với việc phân phối thuốc kháng lao, kháng sốt rét và kháng retro virus (ARVs) và kháng sinh là những thuốc được xem có nguy cơ cao gây ra kháng thuốc, bao gồm cả những thuốc mới lưu thông trên thị trường.

Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế; xây dựng mạng lưới giám sát quốc gia nhằm theo dõi việc kháng thuốc ở người.

Theo giadinhphapluat