Cảnh giác với bác sĩ mạng vô tâm có thể khiến bệnh nhân nguy hiểm tính mạng

Với sự trợ lực của mạng xã hội, những thông tin giả sức khỏe hay bác sĩ mạng vô tâm đẩy bệnh nhân đến những tình huống rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Rước họa vào thân vì tin "bác sĩ mạng"

Kể về câu chuyện chữa bệnh "nhờ" google,  PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức kể lại câu chuyện chữa bệnh của một vị bác sĩ trên báo Người lao động mới đây, một bệnh nhân nữ bị đái tháo đường hơn 8 năm, nhờ ông chữa mà đường huyết 3 năm nay rất ổn.

Lần tái khám gần đây, đột nhiên đường huyết bà tăng vọt. Bà khẳng định vẫn uống thuốc, tập thể dục đều đặn và không thay đổi chế độ ăn. Gặng hỏi mãi thì bà mới rụt rè kể: "Thú thật với bác sĩ, 2 tháng nay, mỗi ngày tôi ăn thêm nửa quả dưa hấu. Vì con tôi xem trên mạng thấy có người bảo trong dưa hấu có chất trị được bệnh đái tháo đường!". 

Ngay cả đối với những bệnh nhân ung thư - căn bệnh được xem là gây tử vong hàng đầu hiện nay, theo PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương, Viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống ung thư chia sẻ trên báo Công Lý, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin lan truyền rằng “Đừng điều trị nếu bị ung thư”; “Ung thư đừng vội phẫu thuật", “Liệu pháp tự bỏ mặc phát triển trong điều trị ung thư”, hoặc phác đồ điều trị ung thư hiện nay là cách điều trị “quá lỗi thời và lạc hậu”...

Cảnh giác với bác sĩ mạng vô tâm có thể khiến bệnh nhân nguy hiểm tính mạng

Nhiều người có thói quen lên mạng tự chữa bệnh cho mình mà không biết là tác hại khôn lường. Ảnh: Người lao động

PGS Thuấn khẳng định, đây là những thông tin không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm.

Khẳng định những thông tin nêu trên mạng xã hội là không có cơ sở khoa học, đại diện lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho biết, đây chính là mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin khi các nguồn tin không đúng có thể dễ dàng được lan truyền gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực vì không phải ai cũng có năng lực nhận định và kiểm chứng thông tin.

Bàn về điều này, bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cảnh báo, ngày nay, “phòng khám” của “bác sĩ Google” là nơi quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên, vì quá tin “bác sĩ” này mà không ít bệnh nhân suýt chết.

“Đã có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do tùy tiện sử dụng các thuốc chống viêm theo chỉ dẫn trên mạng. Phổ biến nhất là những bệnh nhân đau khớp, họ rất hay tự chữa bằng “bờ rét” - một loại thuốc chứa corticoid có tác dụng giảm đau rất nhanh nhưng tác dụng phụ là suy thận, loãng xương, tăng huyết áp nếu không được sử dụng đúng cách” - bác sĩ Hải khuyến cáo.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, có đến 60% - 70% các bà mẹ trước khi đưa con đến bác sĩ đã tùy tiện cho trẻ uống một loại thuốc nào đó mà theo họ là kinh nghiệm từ những lần điều trị trước, tư vấn của bạn hoặc của cộng đồng mạng.
 
“Không ít bà mẹ thấy con mọc răng lại húng hắng ho và sốt, thay vì đưa đến các cơ sở khám bệnh lại lên mạng hỏi ý kiến người khác. Yên tâm với hàng loạt gợi ý của các “tiền bối” nên có những trẻ nhập viện đã rơi vào tình trạng nguy hiểm” - TS Dũng nêu ví dụ.

Mối nguy hại không tưởng từ thông tin giả sức khỏe trên mạng

Cảnh báo về điều này trên báo Người lao động, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cho biết, ai có dùng Facebook chắc không lạ với những thông tin có thể gây hại đang tràn lan. Kiểu như bệnh nhân bị đột quỵ lại có lời khuyên người nhà hãy "chích máu 10 đầu ngón tay và cạy miệng đổ nước gừng vào" (thay vì phải đưa ngay đến bệnh viện).

Hay thông tin của nhóm "phản đối chủng ngừa" (anti-vaccination movement) nhan nhản trên mạng gần đây với những lập luận quá ư… khôi hài đối với giới chuyên môn. Cần nhắc lại, chính nhờ thành tựu của chủng ngừa, rất nhiều con em của chúng ta thoát được sự hành hạ của các bệnh truyền nhiễm.

Dù những thông tin lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị về mặt y khoa, người ta vẫn hết hồn vì số lượt thích (like), chia sẻ (share), nhận xét (comment) lên đến hàng ngàn, hàng vạn.

Cảnh giác với bác sĩ mạng vô tâm có thể khiến bệnh nhân nguy hiểm tính mạng

Chữa bệnh theo "bác sĩ mạng" nhiều người rơi vào tình trạng nguy hiểm. Anh minh họa 

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức cũng dẫn lời bà Kelly McBride thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Poynter (Mỹ) nhận định rằng, trong tất cả các loại thông tin giả, thông tin giả về sức khỏe là loại gây thảm họa nhất.

Bởi vì, dù không có bất kỳ cứ liệu khoa học nào chứng minh, những thông tin giả sức khỏe lại được lan truyền, chia sẻ mạnh mẽ và nhanh chóng. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nhu cầu thông tin về sức khỏe là có thật và là nhu cầu rất cao do ai cũng sợ bệnh và khi bị bệnh thì chỉ muốn mau hết bệnh. Vì vậy, trong các lĩnh vực khoa học rộng lớn, khoa học sức khỏe là mảnh đất rất màu mỡ cho thông tin giả xuất hiện.

Do vậy, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo, người bệnh đừng bao giờ dùng thông tin trên internet để tìm cách chẩn đoán bệnh và tự chữa bệnh. Nhiều người mỗi khi lo lắng về sức khỏe của mình là cứ vào mạng để tìm bệnh, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng mình có là cứ thế "bê" nguyên toa thuốc trên mạng đến hiệu thuốc mua mà không cần đến bác sĩ.

Việc tự vào các địa chỉ mạng để tìm thuốc thích hợp ("thích hợp" là do thuốc đã được quảng cáo rất nghệ thuật, nghe xuôi tai, chiều nào cũng lọt), mua thuốc trên mạng hoặc đến nhà thuốc mua về tự uống, thậm chí mua theo lối rỉ tai, chuyền tay là rất nguy hiểm.

Theo VietQ