Chỉ 1-10% thai nhi bị ảnh hưởng Zika

Nếu người mẹ nhiễm virus Zika, tỉ lệ thai nhi bị ảnh hưởng chỉ vào khoảng 1%-10% và nguy cơ chủ yếu ở giai đoạn 12 tuần thai đầu tiên.

Chỉ 1-10% thai nhi bị ảnh hưởng Zika

Bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, khoảng 60%-80% trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng nếu có là phát ban trên da, sốt, viêm kết mạc, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ…, kéo dài 2 - 7 ngày.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định virus Zika gây nên biến chứng thần kinh là hội chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain Barré, tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng bởi tỉ lệ ảnh hưởng thai khi nhiễm Zika chỉ vào khoảng 1%-10%, theo các nghiên cứu trên thế giới. 

Ảnh hưởng thường nặng nhất trong 12 tuần đầu vì hệ thần kinh bé mới được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều.

Vì thế, các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ ít nhất vào các thời điểm 12, 22, 32 tuần ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Hội chứng não nhỏ của thai nhi có thể phát hiện ở quý 2 (sau 18 tuần) bằng siêu âm thai.

BS Nguyễn Đức Khoa, Phó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế lưu ý, phụ nữ nhiễm Zika được khuyến cáo nên chờ sau 8 tuần kể từ khi nhiễm virus hoặc khởi phát bệnh mới nên có thai vì các báo cáo gần đây chỉ ra virus Zika tồn tại trong tinh dịch 188 ngày, trong nước bọt và nước tiểu 91 ngày.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm là vô cùng cần thiết trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu. Không chỉ Zika, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng cần quan tâm là Rubella, thủy đậu, cúm, sốt xuất huyết… Bệnh sốt xuất huyết và Zika chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt và hạn chế đi lại vùng có dịch bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có chiến lược phòng chống bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, người dân và thai phụ cần đặc biệt lưu ý, sốt xuất huyết nguy hiểm hơn Zika rất nhiều bởi sốt xuất huyết có thể nặng và tử vong, trong khi Zika thường ở thể nhẹ, không tử vong, không biến chứng ở người không mang thai. Trẻ em nếu mắc Zika cũng giống như người lớn, không nặng hơn như nhiều người lo ngại.

Theo Infonet