Chuyên gia cảnh báo những vật dụng dễ gây nhiễm độc chì cho người

Theo ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), có nhiều đồ dùng trong nhà nguy cơ gây ngộ độc chì mà chúng ta không ngờ tới.


Chuyên gia cảnh báo những vật dụng dễ gây nhiễm độc chì cho người

Son môi không phải là sản phẩm bị dán mác cảnh báo nguy hiểm về nồng độ chì có trong đó. Ảnh minh hoạ

Sơn nhà thành “đối tượng nguy cơ” cao

Theo ThS Nguyễn Trung Nguyên, các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì trong các loại thuốc Nam, thuốc cam. Nhiều mẫu thuốc cam màu sắc sặc sỡ, có đến trên 33% là chì, không nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, được đóng gói và hình thức rất đơn giản nên dễ phân biệt màu sắc. Tuy nhiên, trường hợp sản xuất thuốc cam chứa chì dạng viên nén hoặc viên nang thì không phân biệt được.

Do vậy, vị bác sĩ này đã nhiều lần đề xuất cần loại chì, asen và thủy ngân khỏi danh sách nguyên liệu thuốc y học cổ truyền, tránh tình trạng nhiều loại thuốc cam, thuốc y học cổ truyền có oxit chì được bán rộng rãi, khiến nhiều em ngộ độc chì từ năm 2011 cho đến nay.

ThS Nguyên cho biết, tháng 8 vừa qua, Trung tâm Chống độc đã về hai huyện Lục Nam, Tân Yên và TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) để khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục trẻ em có nồng độ chì vượt quá ngưỡng an toàn. Hiện nay, ở Bắc Giang có khoảng 50 trường hợp bị ngộ độc chì, đa số là do gia đình có thói quen dùng thuốc cam để vệ sinh răng miệng cho trẻ.

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chì vào người bằng 3 con đường, nhiều nhất là qua đường ăn uống và thở. Vì chì bay hơi, gây nên ô nhiễm chì trong không khí. Chì có thể ngấm vào đất, nước, gây ô nhiễm, rồi lại xâm nhập vào cây trồng, vật nuôi, con người ăn thực phẩm này vào có thể bị nhiễm chì.

PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo: “Cái gì có màu sắc thì đều có thể có chì, đặc biệt là màu sắc tươi như: Đỏ, vàng, da cam, nếu có ánh kim (kể cả quần áo) thì nên nghi ngờ”. Đó là do oxit chì tạo ra các sắc màu khác nhau thuộc “tông” đỏ, vàng, da cam.

Tại Việt Nam, thời gian trước, nguồn chì nhiều nhất được các nghiên cứu y khoa chỉ ra là có trong xăng chì được các xe động cơ đốt trong nhả ra không khí. Sau đó, loại xăng này bị cấm. Ngoài ra, ở những nơi sản xuất ắc quy, luyện kim loại, làng nghề đúc đồng, đúc chì, tái chế chì có tình trạng ô nhiễm chì trong không khí, trong đất. Người dân dễ bị nhiễm độc chì khi sống trong bầu không khí đó.

“Sơn tường là yếu tố có thể gây nhiễm, ngộ độc chì. Nếu tường nhà có chì, trẻ em và người lớn sống trong đó có thể hít phải chì vì chì tỏa ra không khí. Điều nguy hiểm là ở các nhà cũ, sơn tường đã lâu, mảng sơn tường có thể rơi ra, trẻ em có thể chơi đùa, thậm chí nhặt bỏ vào miệng”, PGS.TS Phạm Duệ nói. Do đó, Ủy ban Hàng tiêu dùng của Mỹ cũng xếp sản phẩm sơn có trên 0,06% chì vào nhóm sơn chì.

Chì cũng có thể có trong thực phẩm, hộp đựng đồ ăn (như hộp sữa, bình uống nước có sơn màu sắc sặc sỡ ở ngoài…). “Thời gian trước, thường đóng đồ hộp bằng thiếc. Tại những đường viền mép, để tránh thực phẩm bị rò rỉ ra ngoài, người ta thường quét một lớp nhũ chì bịt kín”, PGS.TS Phạm Duệ cho biết thêm.

Son môi liệu có “gây nguy hiểm”?

Vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) đưa ra danh sách 400 dòng son, trong đó có những hãng rất nổi tiếng có chứa chì. Theo PGS.TS Phạm Duệ, đã là son thì chắc chắn phải có chì, đặc biệt là son đỏ, cam, hồng. Vì oxit chì có những thành phần tham gia vào trong quá trình sản xuất son để tạo màu sắc tươi bóng cho son.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Phạm Duệ, FDA cũng khẳng định, nồng độ chì của tất cả son đó nhỏ hơn 10 phần triệu - là an toàn. “Son môi không phải là một mặt hàng được FDA dán mác cảnh báo về nồng độ chì có thể gây độc”, PGS.TS Phạm Duệ khẳng định.

Đồng thời, ông cũng bác bỏ ngay cách “thử chì trong son” của không ít chị em là bôi son lên mu bàn tay, dùng nhẫn vàng di đi di lại nhiều lần xem son trên nhẫn có chuyển màu hay không, từ đó khẳng định son có hay không có chì.

Biểu hiện nhiễm độc chì: Triệu chứng phong phú không đặc hiệu, với trẻ em thì có em lầm lì, nặng nhất là co giật hôn mê, nhiều ca bỏ qua nếu ko nghĩ tới và xét nghiệm nồng độ chì trong máu.

Xét nghiệm nồng độ chì trong máu hiện là cách chẩn đoán chính xác nhất bệnh nhân có bị ngộ độc chì hay không. Theo các chuyên gia chống độc, chì nguy hiểm ở chỗ "dễ vào nhưng khó ra".

Người nhiễm độc chì có nhiều biểu hiện, nhưng không đặc hiệu, dễ bị lẫn vào các triệu chứng của bệnh khác. Nếu bác sĩ không “nghĩ đến” để cho xét nghiệm nồng độ chì trong máu thì nhiều trường hợp không thể điều trị dứt điểm.

Đơn cử, nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Cũng có những trẻ lại nghịch ngợm, bốc đồng, giảm tập trung chú ý…

Ở mức độ nặng hơn, ngộ độc chì có thể khiến trẻ thiếu máu gây suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi cọc, thậm chí có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, giảm nhận thức, co giật và hôn mê.

Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, táo bón, đau đầu, thiếu máu… Nhiều hơn, ngộ độc chì ở người lớn còn khiến viền lợi ánh chì, có người còn bị ánh kim loại ở da. Nguy hiểm hơn, là người lớn bị ngộ độc chì sẽ sinh bệnh suy nhược mãn tính, thường được chẩn đoán suy nhược cơ thể, thần kinh. Nếu bác sĩ không nghĩ đến việc xét nghiệm nồng độ chì trong máu, bệnh sẽ không chữa dứt điểm được.

Dù khẳng định lượng chì trong son rất nhỏ, không có khả năng gây nhiễm hay ngộ độc chì, nhưng PGS.TS Phạm Duệ cũng khuyến cáo chị em nên dùng thận trọng hơn và không nên lạm dụng. Vì son môi cũng có thể tàn phá da tự nhiên với người dùng. Đặc biệt, theo ông, phụ nữ có thai nên hạn chế dùng son.

Thu Nguyên

Theo giadinh