Chuyện về anh nhân viên ngân hàng dạy chữ cho cô bé bán vé số trên vỉa hè

Anh nhân viên ngân hàng không ngần ngại trời nắng hay mưa, ngày ngày tranh thủ giờ giải lao ít ỏi dạy kèm cô bé bán vé số “con chữ” với hy vọng cuộc đời của em sau này sẽ bớt khổ…

Giữa nhịp sống hối hả, đôi khi vì miếng cơm manh áo, con người ta vô tình bị cuốn vào guồng quay “kim tiền” nghiệt ngã, để rồi đánh mất đi cái tình người vốn có.

Thế nhưng, giữa nẻo đời lắm chuyện nhiêu khê ấy, vẫn còn đâu đó những điều bình dị, vừa rất đời, lại rất người! Đơn giản như hình ảnh giữa anh nhân viên ngân hàng nọ, ngày ngày làm thầy của cô trò bán vé số vỉa hè.

Không họ hàng thân thích, không quen biết, có chăng điểm chung giữa “thầy –trò” là cùng tên Tú. Người ta gọi thầy là Tú lớn (Lê Hà Tú – SN 1990) và cô trò gầy nhẻm nhưng có đôi mắt sáng long lanh là Tú nhỏ (Bùi Ngọc Tú – SN 2008, ngụ Kiên Giang).

Chuyện về anh nhân viên ngân hàng dạy chữ cho cô bé bán vé số trên vỉa hè

Lớp học chỉ 1 thầy, 1 trò nhưng nhiều niềm vui (ảnh kênh 14)

Duyên kì ngộ giữa Tú lớn và Tú nhỏ cũng thật tình cờ. Hàng ngày cứ tầm trưa, Tú nhỏ lại đến trước cổng công ty nơi Tú lớn đang làm việc để bán vé số. Ấn tượng đầu tiên của Tú lớn về cô bé bán vé số đó là sự hồn nhiên, vô tư và lanh lợi.

Thương cô bé tuổi còn nhỏ đã phải lăn lộn mưu sinh. Những ngày đầu, Tú lớn vẫn thường mua cơm cho Tú nhỏ. Nhận hộp cơm từ tay người lạ, cô bé có phần hơi rụt rè. Nhưng nhiều ngày sau, thấy ông chú “quần là áo lượt” vẫn đều đặn cho hộp cơm trưa, Tú nhỏ mới mở lòng bắt chuyện.

Biết Tú nhỏ không được đến trường, Tú lớn lo lắng cho tương lai sau này của cô bé và quyết định nhận “học trò”. Anh tự tay sắm tập vở, và tranh thủ 30 phút nghỉ trưa ít ỏi để dạy chữ cho Tú nhỏ.

Một lớp học đặc biệt trên vỉa hè ra đời từ đó…

Chuyện về anh nhân viên ngân hàng dạy chữ cho cô bé bán vé số trên vỉa hè

Tú nhỏ với đôi mắt sáng hồn nhiên, lanh lợi thích thú khi được Tú Lớn dạy học (ảnh Kênh 14)

Hằng ngày, từ thứ 2 đến thứ 5, Tú nhỏ đều tới vỉa hè trước cổng công ty đợi Tú lớn. Trưa nào cô bé cũng luôn đợi sẵn ở đó và chưa bao giờ tới trễ. Tính ham học của cô bé chính là động lực lớn nhất giúp người thầy “bất đắc dĩ” như anh ngày càng yêu quý công việc mà mình đang làm.

Anh kể: "Ban đầu mình chỉ tính dạy bé những thứ cơ bản như bảng chữ cái hay cộng trừ đơn giản. Nhưng dạy được một thời gian, chính mình cảm thấy ngưỡng mộ sự hiếu học của Tú.

Con bé quá nhỏ để hiểu rằng học cái chữ thì sẽ tốt cho tương lai, nó đến gặp mình mỗi ngày đơn giản vì thích học.

Mình chợt nhận ra con bé khác hoàn toàn với tụi mình ngày xưa, ngày xưa đi học là bố mẹ phải thúc ép, đôi khi thích đến trường chỉ vì có bạn bè đông vui, còn Tú nó chỉ học một mình nhưng chưa hôm nào bé bỏ học".

Bất kể thời tiết, ngày nắng che dù, ngày mưa thì cả thầy và trò cùng chui vào bụi cây trước công ty để học bài và để tập vở không bị ướt.

Tú lớn kể nhiều hôm công việc mệt mỏi chỉ muốn nằm nghỉ một lát để chiều vào làm tiếp, nhưng nhớ con bé còn ngồi đợi mình ở dưới nên cũng ráng xách tập vở xuống. Dạy riết rồi quen.

Chuyện về anh nhân viên ngân hàng dạy chữ cho cô bé bán vé số trên vỉa hè

Trời nắng che dù, trời mưa chui vào gốc cây để tránh tập vở bị ướt, lớp học ấy thật bình dị mà ấm áp (ảnh Dân trí)

Khoảnh khắc thầy dạy trò đánh vần, nắn nót từng con chữ, còn trò thích thú lắng nghe học bài dường như không còn chỗ cho sự nghèo nàn, khổ sở và đói rét.

Thay vào đó, hình ảnh ảnh thầy trò Tú lớn – Tú nhỏ cặm cụi dạy và học đem đến cho người ta một cảm giác nhẹ nhõm và bình yên đến lạ giữa cuộc đời hối hả, xô bồ…

Theo phununews