Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số

Những biến động của thị trường đã khiến giá trị nhiều cổ phiếu bất động sản từng dội sàn một thời giờ ít người nhớ tới.

Giai đoạn 2006-2007 được coi là thời kỳ hoàng kim của thị trường bất động sản. Trên sàn chứng khoán, hàng loạt các cổ phiếu doanh nghiệp dội sàn với thị giá vài trăm nghìn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản cũng làm không ít nhà đầu tư thua đau vì ôm mộng làm giàu.

Nửa chỉ vàng một cổ phiếu

Tháng 7/2006, giới đầu tư hồi hộp chờ đón sự gia nhập mã cổ phiếu bất động sản SJS của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà – Sudico. SJS cũng là mã cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán khá sớm, mở đầu cho làn sóng niêm yết của cổ phiếu bất động sản giai đoạn 2006-2007.

Ngay phiên chào sàn, cổ phiếu SJS đã có giá lên tới 100.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá rất cao ở thời điểm đó và là cổ phiếu bất động sản có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán.

Sudico khi đó là một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, khi sở hữu nhiều dự án lớn, quỹ đất hàng nghìn ha tại Hà Nội, đáng chú ý là khu đất vàng nơi đặt dự án KĐT The Manor tại Mỹ Đình.

Giới đầu tư nhanh chóng đổ tiền vào mua gom làm SJS tăng dựng đứng. Đến cuối năm 2006, thị giá SJS đã lên tới 560.000 đồng/cổ phiếu. Cũng chỉ trong chưa đến 10 phiên giao dịch đầu năm 2007, SJS chạm mốc 728.000 đồng/cổ phiếu, mốc cao nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số

Thị giá hiện tại của SJS chưa bằng con số lẻ vào thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu này. Đồ họa: Quang Thắng.

Giữa lúc bong bóng cổ phiếu đang lên cao, SJS tăng vốn gấp 4 lần, từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Cổ phiếu SJS được điều chỉnh giá về 190.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tiếp tục tăng lên 400.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau 6 tháng chào sàn, SJS đã tăng 1.560% giá trị.

Sudico sau đó cũng liên tục tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng vào tháng 5/2007, rồi lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2009 bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Giá SJS điều chỉnh sau đó ở mức 70.500 đồng/cổ phiếu và giảm một mạch xuống ngưỡng 20.000 đồng trong năm 2012, khi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế.

Tháng 4/2013, SJS còn bị tạm ngừng niêm yết, do kết quả kinh doanh lỗ ròng, thị giá SJS chỉ còn khoảng trên dưới 17.000 đồng/cổ phiếu.

Sau giai đoạn đóng băng của thị trường bất động sản vào năm 2012, SJS có dấu hiệu phục hồi, nhưng hiện giá chưa tới 30.000 đồng/cổ phiếu, chi bằng số lẻ so với quãng thời gian hoàng kim 10 năm về trước.

KBC và đại gia Đặng Thành Tâm

Nhắc đến Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), người ta nhớ đến đại gia Đặng Thành Tâm, ông trùm lĩnh vực bất động sản công nghiệp nắm trong tay nhiều dự án khu công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

KBC cũng được niêm yết trên sàn chứng khoán vào giai đoạn bong bóng chứng khoán phình to cuối năm 2007. Với ưu thế vượt trội của mình, KBC nhanh chóng trở thành cổ phiếu có thị giá cao hàng đầu thời điểm đó.

Ngay phiên chào sàn, KBC đã có giá lên tới 162.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi KBC quyết định tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu vào giữa năm 2008, thị giá KBC luôn dao động 170.000-190.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi phát hành thêm cổ phiếu, thị giá KBC bị pha loãng về mức 124.000 đồng.

Cùng vào thời điểm này, những khó khăn liên quan tới việc triển khai các dự án khu công nghiệp cùng việc phải mất thời gian dài mới có thể thu được lợi nhuận, đã khiến giới đầu tư dần thờ ơ với KBC.

KBC nhanh chóng giảm xuống dưới 100.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2008.

Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số
Dù hiện kết quả kinh doanh đã ổn định hơn rất nhiều, nhưng rất khó để KBC có thể lấy lại thị giá như 10 năm về trước. Đồ họa: Quang Thắng.

Từ đó đến nay, nhiều lần "lên thác xuống ghềnh" cùng đại gia Đặng Thành Tâm nhưng chưa khi nào KBC tìm lại được cột mốc 100.000 đồng trước đó.

Thậm chí, cùng với cổ phiếu toàn ngành bất động sản, KBC còn lao dốc xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2012.

Hiện, thị giá KBC khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu, và dễ thấy KBC khó có thể bức phá trên sàn chứng khoán như giai đoạn trước đây.

Từ dội sàn đến giá chỉ ngang tờ vé số

Cũng một thời huy hoàng trên sàn chứng khoán nhưng giờ giá trị chỉ bằng tờ vé số là cổ phiếu NTL của CTCP Đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco).

Tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi mô hình năm 2004 và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007, Lideco nắm trong tay quỹ đất rộng khắp khu vực Hà Nội như Xuân Đỉnh, Trạm Trôi, Dịch Vọng… Điều này khiến giới đầu tư thời điểm đó tin rằng NTL sẽ là cổ phiếu dẫn dắt thị trường bất động sản.

Chào sàn cuối năm 2007, NTL có thị giá lên tới 270.000 đồng/cổ phiếu. Thành công đến sớm nhưng đã không ở lại lâu với NTL. Đầu năm 2008, NTL sở hữu đà tăng ấn tượng, chạm ngưỡng 313.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến hết quý I cùng năm, cổ phiếu này bắt đầu tụt dốc với hàng chục phiên đỏ sàn liên tiếp.

Chỉ sau một tháng, thị giá NTL chỉ còn giao dịch 100.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 200%. Chưa dừng lại, NTL sau đó tiếp tục đỏ sàn, đến giữa năm 2008, thị giá NTL chỉ còn trên dưới 20.000 đồng.

Năm 2009, hàng loạt dự án của Lideco được mở bán như dự án X3, dự án Xuân Đỉnh, Trạm Trôi, Dịch Vọng, Hòa Bình… đẩy doanh thu của công ty tăng đột biến 1.380 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ so với năm 2008). Cộng với thông tin công ty tiếp tục triển khai một loạt các dự án nhà ở tại Hà Nội đã tác động mạnh tới thị giá cổ phiếu NTL trên sàn chứng khoán. Cuối năm 2009, NTL bật tăng trở lại lên hơn 170.000 đồng/cổphiếu.

Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số
Hiện tại, thị giá cổ phiếu NTL của Lideco được giao dịch chưa tới 10.000 đồng. Đồ họa: Quang Thắng.

Tuy nhiên, Lideco dần vắng bóng trên thị trường. Cái tên Lideco chỉ xuất hiện trong một số thương vụ chuyển nhượng dự án, như nhượng lại dự án khu dịch vụ thương mại tại tổ 28 phường Dịch Vọng với giá trị thu về 170 tỷ đồng, và dự án khu đô thị Tây Đô – Hoài Đức với diện tích 40 ha năm 2016 vừa qua.

Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, các dự án của Lideco mở bán nhưng không bán được hàng, như khu đô thị Bắc quốc lộ 32 mới chỉ bán được 2 căn trong số 200 căn hộ. Điều này khiến thị giá cổ phiếu NTL giảm xuống hiện chỉ chưa tới 10.000 đồng.

Thua đau vì tham vọng tăng vốn

TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng từng dội sàn với giá lên tới 300.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2006. Nhưng chỉ tăng giá duy nhất phiên sau đó, TDH đã giảm giá 12 phiên liên tiếp về mức 174.000 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2007, TDH vẫn được giao dịch quanh giá 200.000 đồng/cổ phiếu với biên độ lên xuống khoảng 20%, nhưng khối lượng giao dịch mỗi phiên rất nhỏ, có phiên chỉ vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh.

Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số

Tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu là nguyên nhân trực tiếp khiến thị giá cổ phiếu TDH bị pha loãng trong năm 2007. Đồ họa: Quang Thắng.

Nền tảng là doanh nghiệp Nhà nước, TDH nắm trong tay nhiều khu đất vàng tại TP.HCM. Thời điểm đó, dù doanh thu không quá cao công ty vẫn đều đặn thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.

Giai đoạn 2007-2010, biên lợi nhuận trên doanh thu của TDH lên tới hơn 50%. Tuy nhiên, khi thị giá cổ phiếu đang ở mức cao, TDH liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Năm 2008, TDH tăng vốn từ 170 tỷ lên 252,5 tỷ đồng, giá cổ phiếu bị pha loãng, kết thúc năm 2008, thị giá TDH chỉ còn 28.700 đồng/cổ phiếu, giảm gần 10 lần so với đầu năm.

Hiện tại, vốn điều lệ của TDH đã lên tới gần 710 tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh trong nhiều năm gần đây không nổi bật. Thị giá TDH chỉ được giao dịch trên dưới 12.000 đồng, chưa bằng số lẻ thời điểm mới niêm yết.

Cổ phiếu bất động sản: Từ giá trị nửa chỉ vàng đến ngang tờ vé số

Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản từng dội sàn một thời giờ có thị giá thấp hơn tờ vé số. 

Theo Zing