Con còi cọc vì tẩm bổ vô tội vạ

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa Nhi, không phải lúc nào dùng thực phẩm chức năng (TPCN) cho con trẻ cũng tốt. Thậm chí, việc tự ý sử dụng còn có tác dụng ngược đối với trẻ.

Con còi cọc vì tẩm bổ vô tội vạ

Người dùng khó lựa chọn trước “ma trận” thực phẩm chức năng dành cho trẻ nhỏ

Lợi bất cập hại

Ở tuổi lên 3, bé Nguyễn Ngọc A. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trông thấp còi hơn so với các bạn cùng tuổi. Khi thấy con có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi ngày càng nhiều, chị Trần H. (mẹ bé Ngọc A.) đưa con đến thăm khám tại Viện Dinh dưỡng. Tại đây, sau khám lâm sàng và làm xét nghiệm, bé Ngọc A. có dấu hiệu tăng canxi máu do thừa vitamin D, canxi.

Đây chính là nguyên nhân khiến bé chán ăn và mệt mỏi. Lúc này, chị H. cho biết, lo ngại con thấp còi, chị vừa bổ sung thêm vitamin D dạng nhỏ giọt, lại vừa cho con dùng thêm TPCN hỗ trợ tăng chiều cao. Chị không ngờ việc tự ý dùng cùng lúc các sản phẩm này lại khiến hàm lượng vitamin D cung cấp cho con vượt ngưỡng quy định.

Theo TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, những trường hợp như trên không hiếm. Việc tự ý bổ sung các vi chất thông qua TPCN là một sai lầm mà nhiều mẹ bỉm sữa mắc phải.

“Trẻ có thể thiếu chất này hoặc chất khác nên cần phải được kiểm tra, xác định qua khám lâm sàng, đôi khi phải xét nghiệm mới biết chính xác. Trong khi đó, nhiều cha mẹ nghe quảng cáo rồi tự dùng cho con. Có những bé chỉ thiếu 1 chất nhưng TPCN lại bổ sung nhiều quá, đảm bảo bổ sung đủ yếu tố thiếu thì các yếu tố khác lại thừa, rất nguy hiểm”, BS. Hưng phân tích.

Hiện, các TPCN được quảng cáo tăng chiều cao, giúp trẻ giảm biếng ăn, hỗ trợ hệ hô hấp… được nhiều mẹ bỉm sữa “tin dùng”. Không ít bà mẹ còn ngộ nhận, cứ vitamin D, canxi hay kẽm… là hỗ trợ trẻ còi xương, biếng ăn. Theo ông Hưng, mặc dù tác dụng của các chất trên được chứng minh trong nghiên cứu khoa học, nhưng điều quan trọng việc bổ sung theo hàm lượng thế nào, ở giai đoạn nào là thích hợp và hiệu quả.

“Với vô vàn các loại canxi, vitamin D hay kẽm hiện có, thì tùy hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm mới quyết định liều lượng cho trẻ sử dụng. Theo đó, phải cân nhắc lấy bao nhiêu chất từ TPCN hay từ thuốc, bao nhiêu từ thực phẩm thức ăn tự nhiên hàng ngày”, vị chuyên gia dinh dưỡng dẫn giải.

Tương tự, PGS. TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo: “Trước khi dùng TPCN cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thày thuốc xem con mình thiếu chất gì, sống trong hoàn cảnh nào, mắc bệnh gì, từ đó biết được loại TPCN nào đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của con. Nếu cứ dùng bừa bãi, vừa tốn tiền mà nhiều khi còn có hại cho trẻ”.

Khi nào nên cho trẻ dùng Thực phầm chức năng?

Theo các chuyên gia, mặc dù TPCN xuất phát từ Nhật Bản, nhưng đến nay tại đất nước này cũng chỉ còn khoảng 100 loại TPCN đang lưu hành. Tuy nhiên, ở Việt Nam không kiểm soát hết số lượng TPCN chứ chưa nói đến chất lượng.

“TPCN nằm giữa ranh giới thuốc thông thường và thực phẩm. Vì vậy, sử dụng TPCN thế nào để đạt hiệu quả thực sự không dễ. Thậm chí, giá TPCN còn đắt hơn thuốc nhưng nếu không biết cách sử dụng thì vừa không hiệu quả vừa tốn kém”, BS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Theo BS. Nguyễn Trọng Hưng, chế độ ăn uống hầu hết tại các gia đình chưa hợp lý, nhiều trẻ có nguy cơ thiếu hụt các vi chất. Vì thế, TPCN được ưa chuộng tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc sử dụng TPCN như thế nào lại đang là vấn đề nan giải.

“Qua thăm khám thực tế, tôi đã gặp trường hợp mẹ cho con uống TPCN mà chỉ hiểu nôm na giúp trẻ giảm biếng ăn, tăng sức đề kháng mà hoàn toàn không tìm hiểu kỹ trong đó có thành phần gì. Chính điều này khiến không ít trẻ thừa vi chất vì bổ sung trong thời gian dài. Điều đáng nói, việc thiếu hay thừa vi chất đều không tốt cho trẻ”, BS. Hưng cho hay.

Theo khuyến cáo của BS. Dũng, với trẻ em, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết, thày thuốc mới kê TPCN, ví như trẻ mắc bệnh mạn tính (ung thư, những bệnh phải chữa dài ngày...) hay trẻ thiếu dinh dưỡng trầm trọng, hấp thu qua đường tiêu hóa không đủ.

“Các cha mẹ cần lưu ý, TPCN là thực phẩm được thêm vào một số chất vi lượng, vitamin... nên không thể thay thế được việc ăn uống thông thường, cũng như không thể thay thế thuốc nếu trẻ bị bệnh. Tác dụng của TPCN không nhiều, vì thế đừng lạm dụng gây tốn kém.

Hơn nữa, nếu vừa dùng thuốc lại vừa sử dụng TPCN sẽ có thể gây dị ứng hoặc khiến cha mẹ quên đi việc bổ sung dinh dưỡng thông thường, hoặc quên đi việc uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng quá nhiều loại TPCN kèm với thuốc còn gây khó khăn cho trẻ khi phải uống quá nhiều”, BS. Dũng cảnh báo.

Theo baogiaothong