Diễn viên hài Lê Giang sẽ chịu trách nhiệm gì nếu chồng cũ thắng kiện?

Xác nhận với báo giới, nghệ sĩ Duy Phương cho biết đã thông qua luật sư, gửi đơn kiện đài truyền hình HTV và chương trình Sau ánh hào quang lên Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM vào sáng 11/12. Giữa lúc dư luận đang tranh cãi về vụ kiện này, Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Thưa Luật sư, tập 10 chương trình "Sau ánh hào quang" của kênh truyền hình HTV đã gây tranh cãi khi diễn viên Lê Giang tố chồng cũ bạo hành. Sau đó, chồng cũ của cô là nghệ sĩ Duy Phương lên tiếng phủ nhận, gửi đơn kiện đài truyền hình. Ở góc độ pháp lý, ông nhìn nhận câu chuyện này ra sao?

- Dưới góc độ pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp nước ta quy định tại Điều 25. Tuy nhiên quyền tự do ngôn luận bị giới hạn trong các nguyên tắc như không được gây hại, không được xúc phạm, không được xung đột với các quyền khác của Nhà nước, của công dân...

Ví dụ trong khi thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng, công dân phải tuân thủ Điều 15 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, trong đó khoản 2 khẳng định: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” và khoản 4 khẳng định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Vì vậy, mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, phát ngôn, bày tỏ ý kiến mình và công dân cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước những phát ngôn đó nếu gây hại, xâm phạm một khách thể khác.

Đối với việc sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình được Luật báo chí và các vản bản pháp luật khác quy định như Nghị định 06/2016 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình... Theo đó, các nội dung phát sóng sẽ được kiểm duyệt, phù hợp với các quy định phát luật, tránh phát sóng những nội dung sai lệch, sai sự thật, có yếu tố phản cảm,…

Diễn viên hài Lê Giang sẽ chịu trách nhiệm gì nếu chồng cũ thắng kiện?

Nghệ sĩ Duy Phương (phải) đã gửi đơn kiện HTV sau lời "tố" bạo hành từ vợ cũ

Theo như nội dung đề cập, khách mời tham gia buổi phỏng vấn và trao đổi về sự nghiệp, đời tư của mình với khán giả truyền hình, trong đó có nhắc đến đời tư của một nghệ sĩ khác.

Trong trường hợp nếu nhà sản xuất chương trình cố tình lợi dụng các thông tin khách mời cung cấp mà biết thông tin đó sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức khác mà không kiểm duyệt, vẫn phát sóng thì phải chịu trách nhiệm về những nội dung đó.

Còn nếu nhà sản xuất phát sóng không thể kiểm chứng những nội dung mà khách mời trình bày thì không phải chịu trách nhiệm mà trách nhiệm sẽ thuộc về người phát ngôn thông tin đó nếu gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến một cá nhân, tổ chức khác.

Ngoài ra, việc khởi kiện tại Tòa là quyền của công dân khi có căn cứ xác định hành vi của một cá nhân khác xâm phạm đến uy tín, danh dự của mình. Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết vụ việc sẽ thuộc vào quyết định của Tòa án.

Giả sử thông tin mà diễn viên Lê Giang nói là sai sự thật thì cô ấy đã phạm vào quy định nào? Mức phạt nặng nhẹ ra sao?

- Pháp luật quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Ngoài ra, Ðiều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".

Đối với trường hợp cá nhân có những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 584, cụ thể: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác..."

Theo đó, việc bồi thường về uy tín,danh dự, nhân phẩm theo quy định tại Điều 592 BLDS 2015 bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định,…

Nếu có căn cứ xác định thông tin một cá nhân cung cấp, phát ngôn sai sự thật nhằm mục đích bôi nhọ danh dự uy tín của người khác thì người bị xâm phạm có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa, yêu cầu cá nhân có hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của mình phải công khai xin lỗi, bồi thường những tổn thất nếu có.

Diễn viên hài Lê Giang sẽ chịu trách nhiệm gì nếu chồng cũ thắng kiện?

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường

Việc xác minh một câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ có vẻ không thực sự không dễ dàng. Với câu chuyện quá khứ của hai nghệ sĩ này, cách nào để xác minh và cần những thủ tục gì trong quá trình xác minh, kết luận?

- Pháp luật tố tụng dân sự quy định khi khởi kiện tại Tòa, đương sự có nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ để cung cấp cho tòa án. Và để đảm bảo việc giải quyết đúng, chính xác, tòa án có thề tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp pháp luật có quy định.

Tòa án có thể tiến hành thu thập chứng cứ qua việc lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; trưng cầu giám định; … hoặc ủy thác việc xác minh, thu thập chứng cứ, yêu cầu các cơ quan tổ chức, liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ,… để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Hiện khá nhiều chương trình truyền hình thực tế, kênh truyền hình khai thác đời tư của nghệ sĩ. Không ít nghệ sĩ đã công khai thông tin bản thân từng bị bạo hành, xâm hại tình dục, lừa đảo... Theo Luật sư, đơn vị tổ chức có trách nhiệm phải đảm bảo nguồn tin không sai sự thật? Đối với trường hợp thông tin chỉ có một chiều là qua lời nhân vật kể trước hàng triệu khán giả truyền hình thì nhân vật, kênh phát sóng có vi phạm pháp luật không?

- Trong trường hợp chương trình là buổi tọa đàm, giao lưu với nhân vật, thông tin chỉ là một chiều qua lời kể nhân vật, nhà sản xuất chương trình không thể kiểm chứng thông tin, không biết thông tin thì không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Còn trong trường hợp, ê-kíp chương trình biết thông tin đó sai sự thật, không đúng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác và lợi dụng thông tin đó với mục đích "câu view", lợi nhuận thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật báo chí, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Đối với trường hợp nhân vật phát ngôn thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể bị xử lý vi phạm phạm hành chính, còn nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách đây chưa lâu, nghệ sĩ Xuân Hương từng kiện người mẫu Trang Trần vì cho rằng cô ấy đã xúc phạm danh dự cá nhân bà trên mạng xã hội. Đến nay, vụ kiện gần như rơi vào im lặng. Ông nhận định gì?.

- Việc khởi kiện tại Tòa là quyền của công dân khi có căn cứ xác định hành vi của một cá nhân khác xâm phạm đến uy tín, danh dự của mình. Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết sẽ thuộc về Tòa án. Tòa án có yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ để từ đó có căn cứ giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, khi tiếp nhận vụ việc thì Tòa án phải xem xét đơn khởi kiện nếu đủ điều kiện thụ lý đơn, tiến hành hòa giải giữa các đương sự, yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ, xong đến giai đoạn chuẩn bị xét xử và ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Một vụ án trải qua cả muốn quá trình, trình tự như luật định rồi mới có Bản án cuối cùng.

Cảm ơn Luật sư Đặng Văn Cường về cuộc trò chuyện!

Theo GiaDinh